Tăng tốc từ tháng 2

Đúng như dự báo, quý 1-2023 với kinh tế Việt Nam, kinh tế TPHCM là “vệt dài” của tháng cuối năm 2022 khi đà suy giảm tiếp tục thể hiện rõ ở mảng công nghiệp và các ngành phụ trợ.
Tăng tốc từ tháng 2

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng đầu năm 2023 giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái do một phần tết đến sớm và tác động toàn diện từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tăng lực cầu ở mảng hàng hóa với trên 2.000 tỷ đồng nhưng lại giảm ở mảng dịch vụ cùng các mảng liên quan lên tới 8.000 tỷ đồng. Sức mua có dấu hiệu “cạn dầu”.

Trong khi đó, sự chuyển dịch giữa các ngành nghề tại TPHCM cũng đã tác động đến nguồn lao động. Nhìn rộng ra, trên bình diện bức tranh di cư lao động sau tết lại đang nổi lên xu hướng lựa chọn “về quê/gần quê” nhiều hơn, bởi mức thu nhập vừa đủ trang trải với mức sống và quan trọng là giải quyết nhu cầu gần gia đình sau biến cố đại dịch Covid-19. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường lao động và sử dụng lao động tại TPHCM.

Những “sang chấn” hậu đại dịch Covid-19 vẫn âm ỉ, cộng thêm những rủi ro mà kinh tế Việt Nam đang đối diện như sự đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng, lạm phát toàn cầu, Trung Quốc mở biên nhưng cần “tỉnh táo”, một số chính sách, dự án trọng điểm liên quan đến giải ngân đầu tư công có dấu hiệu bị giãn, chậm do tác động từ thay đổi nhân sự cấp cao… đặt ra những thách thức không nhỏ.

Dù vậy, tính thích nghi và tập quán năng động lại là chìa khóa để giải quyết các bài toán khó nói trên. Ngay trong đại dịch và giai đoạn phục hồi, thương mại điện tử trở thành động lực của kinh tế số Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng. Báo cáo Kinh tế số Việt Nam năm 2022 vừa được Google, Temasek và Bain công bố cho thấy, trong 3 mảng chủ đạo, thương mại điện tử có đóng góp lớn nhất (bên cạnh 2 mảng dịch vụ vận tải, giao đồ ăn và game online, du lịch, video theo yêu cầu).

Cùng với đó là sự chuyển dịch mang tính tất yếu, tích cực của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố khi cơ cấu FDI thu hẹp ở khu vực thâm dụng lao động, hạ nhiệt ở mảng bất động sản để gia tăng vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Nó tương đồng với sự chuyển dịch và tái cấu trúc - tái định vị các ngành trọng điểm, kinh tế chủ lực của thành phố.

Vì vậy, không thể chờ những khó khăn - khách quan qua đi; kể cả những khó khăn chủ quan - nội tại của đất nước và thành phố, mà ngay từ quý 1 này, chúng ta cần có động thái chủ động, quyết tâm cao để trực diện bắt tay ngay vào việc tháo gỡ, giải quyết từng đầu việc một, tạo lực đẩy cho các đầu việc khác, trong đó nhiều mục tiêu, chương trình vốn đã được khởi động và “bắc cầu ý chí” từ cuối năm ngoái.

Theo đó, chúng ta cần lượng hóa từng bước (kèm minh bạch, công khai) các kết quả đạt được, kể cả chưa được trong mục tiêu giải ngân đầu tư công và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Gắn với đó là năng suất, chất lượng, lộ trình của từng dự án thành phần trong các công trình hạ tầng đô thị - giao thông trọng điểm của thành phố. Thực hiện đối thoại, tăng cường xúc tiến và tập trung các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp để ngăn chặn nguy cơ giảm sút tốc độ tăng trưởng GRDP thành phố; triển khai các mô hình kinh tế vỉa hè, kinh tế đêm, thí điểm ở các khu vực trung tâm của thành phố, gắn công tác chỉnh trang đô thị với trùng tu các di sản văn hóa - lịch sử; khai thác mãi lực tiêu dùng, mua sắm, dịch vụ trong các hoạt động văn hóa, nhất là ở mảng du lịch. Tăng cường khối lượng vốn đầu tư FDI cam kết bên cạnh thúc đẩy các giải pháp để tiếp tục gia tăng sức hút kiều hối cho thành phố năm 2023…

Tin cùng chuyên mục