Tăng trưởng trong ổn định

Hôm nay, 9-12, Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc sẽ khai mạc để tổng kết lại kết quả vận hành của nền kinh tế trong năm 2014, đề ra các quyết sách và mục tiêu kinh tế cho năm 2015.

Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, quý 3 tăng trưởng ở mức 7,3% là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, dự báo khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% cho cả năm 2014. Vì vậy, tại hội nghị này, các nhà hoạch định chính sách sẽ ra quyết sách cho năm tới, với các nội dung thảo luận gồm chính sách tiền tệ, mục tiêu về lạm phát và các cải cách kinh tế bổ sung.

Trước đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12 và là năm quan trọng quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 về đi sâu cải cách toàn diện. Vì vậy, Trung Quốc sẽ kiên trì mục tiêu tăng trưởng ổn định, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý. Cùng với đó là đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng với điều chỉnh kết cấu nền kinh tế, đảm bảo chính sách vĩ mô duy trì tính ổn định và liên tục, tiếp tục thực hiện chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ ổn định.

Nhà kinh tế học Trung Quốc, nguyên Viện phó Viện Kinh tế Đại học Bắc Kinh Tào Hòa Bình cho rằng, trong lúc kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, cục diện kinh tế chính trị nhiều thay đổi lớn thì chính sách tốt nhất là tăng trưởng trong ổn định. Ông Triệu Tích Quân, Viện phó Viện Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc bình luận, muốn tăng trưởng trong ổn định “cần đảm bảo thực hiện tích cực và sâu rộng các chính sách quản lý…”. Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế cho rằng Trung Quốc có thể sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua và tăng cường kích thích khi nền kinh tế đang chịu sức ép giảm tốc lớn hơn. Các nhà kinh tế của Nhật nhận định chính phủ Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2015 xuống các mức tương ứng 7% và 3%, so với các mức của năm 2014 là 7,5% và 3,5%. Họ cho rằng chính phủ nước này sẽ phải nới lỏng chính sách hơn nữa để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng, chủ yếu do những trở ngại lớn đến từ sự điều chỉnh của thị trường bất động sản, tình trạng dư thừa công suất và mức nợ cao của các chính quyền địa phương.

Lần gần đây nhất Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng là vào năm 2012, từ 8% xuống 7,5% và con số 7% sẽ là thấp nhất kể từ năm 2004. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong tháng trước bất ngờ hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn hai năm. Nhà kinh tế Lục Đình thuộc Bank of America Merrill Lynch cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể lại có quyết định tương tự trong nửa đầu năm tới, trong khi cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để khuyến khích cho vay. Trong khi đó, nhà kinh tế Lưu Lợi Cương của ANZ nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần thúc đẩy các cải cách chứ không chỉ là điều chỉnh chính sách tiền tệ. Ông đề cập đến việc phát triển các thị trường vốn để đưa các ngân hàng trở thành trụ cột của hệ thống tài chính, tránh tình trạng giảm sút về tín dụng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục