
Năm 2004 sắp kết thúc với nhiều tín hiệu lạc quan trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Không chỉ tăng vốn, mở rộng sản xuất, nhiều nhà đầu tư còn chuyển đổi công nghệ, du nhập vào thị trường Việt Nam những công nghệ hiện đại nhất.
Chuyển đổi công nghệ đón đầu hội nhập
Phó Tổng Giám đốc Công ty Hwata Vina, ông Lee Chen Jen nói rằng, sau 6 năm làm ăn ở VN, ông đã quyết định đầu tư thêm 3 triệu USD để chuyển đổi công nghệ và mở thêm nhà máy. Lý do: kinh tế VN ổn định và tăng trưởng liên tục, nhu cầu thị trường ngày càng lớn và cao hơn, người dân đã chú ý những hàng hóa cao cấp hơn.
Vì vậy, từ chỗ sản xuất bồn nước inox thông thường, Hwata Vina đã bỏ ra 1 triệu USD để nhập dàn máy mới có thể sản

Dây chuyền sản xuất dụng cụ gia đình bằng inox của Công ty Hwata Vina. Ảnh: Việt Dũng
xuất bồn rửa chén, kệ bếp, bàn ghế inox cao cấp, kể cả những bồn nước cỡ lớn đường kính trên 2m. Tại KCN Tân Bình, Hwa Tai hiện là một trong những thương hiệu nổi tiếng với 5 năm liền được
bình chọn là “Hàng VN chất lượng cao”. Sự quan tâm xây dựng thương hiệu trên thị trường nội địa của Hwata Vina xuất phát từ nỗi lo rất thật.
Ông Lee cho biết, mỗi năm phải nhập cả trăm triệu USD các loại bồn rửa, kệ bếp cao cấp, tại sao các DN như họ lại bỏ qua cơ hội này? AFTA,WTO đang gần kề nếu không chuyển đổi công nghệ mới không thể cạnh tranh được.
Tại KCN Vĩnh Lộc, Tập đoàn Sumitomo nổi tiếng của Nhật cũng đã chính thức đầu tư vào VN. Sau nhiều năm thuần túy làm nhà cung cấp các mặt hàng nông sản nhập khẩu, tháng 11 này, Sumitomo, Chiba và Công ty Đại Phong (VN) đã cho ra đời Công ty Liên doanh Intermix chuyên sản xuất các loại bột công nghiệp chế biến sẵn hiệu Mikko.
Dây chuyền, công nghệ du nhập hoàn toàn từ Nhật, chuyên gia Nhật điều hành, mục đích là để đi trước giành thị phần trước khi Thái Lan và các nước ASEAN đổ những mặt hàng này vào VN, theo tiến trình giảm thuế suất AFTA. Lần đầu tiên, các loại bột bánh bông lan nướng, bông lan hấp, bột tempura, bột chuyên dụng để chế biến hải sản, thực phẩm xuất khẩu đã có “hàng nội”, chất lượng cao cấp như hàng nhập khẩu, nhưng giá rẻ hơn 40%.
Tại KCX Tân Thuận, hiện tượng bán máy móc cũ chuyển đổi công nghệ cao hơn đang trở thành “phong trào”. Đã có 26 công ty được công nhận là chuyển qua sản xuất công nghệ cao. Công ty Nidec Tosok là một ví dụ: vốn đầu tư tăng từ 1 triệu USD ban đầu lên gần 90 triệu USD, từ chỗ gia công cơ khí chuyển thành nhà sản xuất các linh kiện, chi tiết chính xác, kỹ thuật cao. Đây là một cuộc chuyển đổi tự nguyện nâng chất lượng đầu tư, nhằm tăng sức cạnh tranh chuẩn bị hội nhập.
Mảnh đất tốt để đầu tư
Công ty TNHH Sơn Jotun VN thuộc Tập đoàn đa quốc gia Jotun (Nauy) đã đầu tư thêm 4 triệu USD mở rộng nhà máy tại KCN Sóng Thần 1, Bình Dương, nâng tổng vốn đầu tư của Jotun tại VN lên gần 11 triệu USD. Phó Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Jotun, ông Peder Bohlin cho biết, hoạt động kinh doanh của Jotun tại VN rất thuận lợi, công suất thiết kế ban đầu là 1,3 triệu lít/năm, nhưng công ty đã chạy đến 1,6 triệu lít/năm vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Việc đầu tư mở rộng sẽ giúp Jotun nâng công suất sản xuất lên gấp 10 lần.
Và điều quan trọng mà công ty này muốn nhắm đến, theo ông Peder, đó là: VN dân số hơn 80 triệu dân, nhưng mức tiêu thụ sơn trang trí chỉ khoảng 0,5 lít/người/năm. Mức này còn rất thấp so với các nước khác. Theo tốc độ xây dựng hiện nay, mức tiêu thụ sơn trang trí sẽ tăng gấp 10 lần trong thời gian tới.
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, 11 tháng qua, cả nước đã thu hút hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư mới, trong đó, có đến 388 doanh nghiệp ĐTNN tăng vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD. Theo tốc độ này, mục tiêu thu hút 3,4 tỷ USD vốn FDI trong năm nay đã nằm trong tầm tay. Song vui hơn cả, đó là sự xuất hiện của nhiều công ty tăng vốn rất lớn như: Xi măng Chinfon Hải Phòng tăng thêm 161,7 triệu USD, Công ty Thép Sun Steel tăng thêm 147 triệu USD, Saigon Mas đầu tư thêm 100 triệu USD… Công ty Canon cũng đầu tư thêm 100 triệu USD để nhà máy Canon VN trở thành 1 trong 10 cứ điểm của Canon ở Đông Nam Á có thể sản xuất máy in thế hệ mới.
Một khảo sát trên 30 hiệp hội DN và 195 công ty nước ngoài mới đây cho thấy, có 83% công ty dự định mở rộng quy mô trong 3 năm tới vì VN có triển vọng dài hạn, thị trường tăng trưởng mạnh và chính trị ổn định. Chỉ có 18% công ty không có kế hoạch mở rộng vì nhiều lý do. Cuộc điều tra trên 100 công ty Nhật do JBIC tiến hành cũng nhìn nhận VN có những ưu thế nổi trội cho đầu tư như nhân công rẻ, chất lượng cao, tăng trưởng kinh tế ổn định… Những tín hiệu này đang nói lên 1 điều: các cuộc cải cách môi trường đầu tư của VN đã có kết quả, khi VN trở thành “đất lành”, ĐTNN vào VN sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới
THU THỦY