Chỉ còn 40 ngày nữa đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Trong mùa kinh doanh tết, thị trường đang rất sôi động, hàng hóa dồi dào và phong phú, cho thấy rõ sức hồi phục của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng tuồn ra thị trường.
Các năm trước, trong mùa kinh doanh tết, các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất là rượu, thuốc lá, hàng thời trang của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Lúc bấy giờ, việc làm hàng giả còn thủ công nhỏ lẻ; ví dụ thủ đoạn phổ biến để làm rượu giả chỉ là thu mua vỏ chai rượu ngoại đã uống, lấy rượu rẻ tiền pha cồn màu và ít rượu ngoại thật để tạo mùi, rồi đóng chai. Nay hàng giả, hàng nhái đã được làm tinh vi hơn, nên rất khó phân biệt, thậm chí phải giám định mới phát hiện được. Sản phẩm làm giả, làm nhái lan rộng nhiều ngành hàng (như giỏ xách, đồng hồ và mắt kính giả hàng hiệu, đồ điện gia dụng, máy móc…) được sản xuất, lắp ráp từ nước ngoài với quy mô lớn và “chuyên nghiệp”, đưa vào nước ta tiêu thụ. Không chỉ làm giả các mặt hàng xa xỉ, nay để thu lợi lớn, những người sản xuất - kinh doanh bất chính còn làm giả luôn cả các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của người tiêu dùng, như: bánh kẹo, bột ngọt, sữa bột, mỹ phẩm, dược phẩm. Hàng giả, hàng nhái không chỉ được bán ở các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, mà còn được bày bán công khai ở các chợ chuyên doanh, trung tâm thương mại và công khai quảng cáo, rao bán trên mạng.
Mặc dù các ngành chức năng liên quan đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, nhưng nạn hàng giả trên thị trường cả nước vẫn diễn biến phức tạp, xâm hại lợi ích, sự phát triển của những nhà sản xuất - kinh doanh chân chính và xâm hại quyền lợi người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong sự hỗn độn, gian trá của thị trường hàng giả, không chỉ có hàng nội kém chất lượng đội lốt hàng ngoại, mà ngày càng xuất hiện nhiều hàng Trung Quốc kém chất lượng đội lốt hàng nội, như nông sản, quần áo, giày dép... Thủ đoạn đó vừa để dễ tiêu thụ hàng kém chất lượng, vừa phá hoại uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.
Câu hỏi cần được đặt ra và lý giải là: Vì sao trong năm 2015 đã có cả trăm ngàn vụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng gian, hàng giả bị phát hiện, xử lý, nhưng hàng giả vẫn đầy rẫy trên thị trường? Có thể thấy sự hoạt động thiếu hiệu quả của các lực lượng chức năng liên quan trong việc ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả; sự thiếu quan tâm đầy đủ của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu thông qua phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về hàng giả; sự thiếu chuyên nghiệp của nhà kinh doanh trong việc tổ chức phân phối và thiết lập cơ chế kiểm soát hàng hóa, lại còn tiếp tay kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Và cả sự mất cảnh giác, thậm chí thỏa hiệp của nhiều người bán lẻ và nhiều người tiêu dùng, vì giá rẻ nên chấp nhận mua bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Một điều tưởng như rất lạ lùng mà lại khá phổ biến: nhiều người thích xài thời trang hàng hiệu, nhưng biết rằng hàng thời trang sẽ nhanh chóng lỗi mốt, nên chỉ cần mua hàng nhái cho rẻ. Khi còn đối tượng “khách hàng thân thiết”, thì hàng giả, hàng nhái còn “đất sống”.
Để giữ lành mạnh thị trường hàng hóa cuối năm, cùng với việc tăng cường xử lý, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán, ngành chức năng cần quản lý, kiểm soát chặt hơn việc buôn bán các mặt hàng thường bị làm giả tuồn ra thị trường tết. Không thể bị động hay đứng ngoài cuộc, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức tự bảo vệ trước nạn hàng giả, hàng nhái, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa hoạt động làm giả, làm nhái sản phẩm của mình. Đấu tranh, ngăn chặn hàng gian, hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên trong cả năm; nay vào mùa kinh doanh tết, lại trong giai đoạn nước ta vào thời kỳ hội nhập sâu rộng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc này lại càng trở nên cấp bách.
HUỲNH THANH LUÂN