Tạo đà phát triển kinh tế

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản phấn khởi việc Nhật Bản và 14 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời tin tưởng thỏa thuận sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng cường các chuỗi cung ứng trong khu vực. 

Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) Hiroaki Nakanishi nhận định, đây là sự kiện cực kỳ quan trọng, hướng tới hiện thực hóa trật tự kinh tế quốc tế tự do và mở cửa trong thời điểm một số quốc gia có xu hướng hướng nội vì dịch Covid-19.

Tương tự, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Akio Mimura cho rằng, cùng với việc giảm nhẹ hàng rào thuế quan, các quy định chung của RCEP về thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, hải quan và xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các chuỗi cung ứng mà Nhật Bản thiết lập ở châu Á mở rộng hiệu quả và mau hồi phục hơn.

RCEP là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên có sự tham gia của Nhật Bản và hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này ở châu Á là Hàn Quốc và Trung Quốc. Khi RCEP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn giữ nguyên thuế đối với 5 nhóm hàng, gồm gạo, lúa mì, các sản phẩm sữa - đường, thịt heo và thịt bò nhằm bảo vệ nông dân trong nước. Ở chiều ngược lại, các quốc gia khác sẽ cắt giảm 91,5% thuế đối với các hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản.

RCEP là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, hướng tới tương lai được thiết kế cho thương mại quốc tế thế kỷ 21. So với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), RCEP kết hợp cân bằng các cam kết WTO để hạ thấp hơn nữa các rào cản thương mại ở biên giới và các điều khoản bổ sung của WTO nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sau biên giới.

Hiệp định có các chương dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trong khi đưa ra các quy trình rộng rãi cho hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa các nước vì sự thịnh vượng chung.

Theo giới phân tích, Tokyo thúc đẩy ký kết RCEP, vì hiệp định này góp phần củng cố vai trò và vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế với tư cách quốc gia đi đầu trong tự do hóa thương mại ở thời điểm chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở không ít quốc gia. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao RCEP, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định, Nhật Bản luôn đi đầu trong việc mở rộng khu vực kinh tế tự do và bình đẳng, duy trì, củng cố hệ thống thương mại tự do đa phương này. Theo Thủ tướng Suga, việc thúc đẩy thương mại tự do càng trở nên quan trọng vào thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ do đại dịch Covid-19.

Được ký kết vào thời điểm kinh tế bắt đầu phục hồi nên RCEP đã tạo thêm niềm tin cho giới đầu tư kinh doanh tại Nhật. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản đã tung ra 2 gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 230.000 tỷ yen (2.200 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch soạn thảo ngân sách bổ sung thứ ba cho tài khóa 2020 và gói kích thích kinh tế mới nhằm đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tin cùng chuyên mục