Thực tế sử dụng thuốc nội hiện nay khiến chúng ta đặt câu hỏi: Bao giờ thuốc nội mới trở thành sự lựa chọn của người dân?
Ngày 29-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện dùng thuốc nội tại Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương và Công ty cổ phần Traphaco. Những con số mà các đơn vị đưa ra cho thấy, con đường của thuốc nội vẫn còn lắm gian nan. Theo Bộ Y tế, khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành y tế đã xây dựng đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Với nhiều nỗ lực, giai đoạn 1 (2012 - 2015), tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tuyến tỉnh và huyện đã tăng lên. Cụ thể, tỷ lệ trung bình tại các cơ sở KCB tuyến huyện năm 2015 là 67,89% (năm 2010, trước khi triển khai đề án là 61,5%); tỷ lệ trung bình tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh năm 2015 là 35% (năm 2010 là 33,9%). Khái niệm “sử dụng thuốc sản xuất trong nước” đã hình thành trong tiềm thức của người dân nói chung và cán bộ y tế nói riêng khi sử dụng thuốc phòng bệnh và chữa bệnh.
Tuy nhiên, kết quả đó chưa thấm vào đâu so với kỳ vọng. Thực tế, các bệnh viện tuyến cuối do đặc thù riêng nên tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí dưới 5% như BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức, BV Nhiệt đới Trung ương, BV Lão khoa quốc gia.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, dù BV đã tăng cường chỉ đạo dùng thuốc Việt nhưng do BV là tuyến cuối, tập trung nhiều bệnh nặng, nan y, yêu cầu điều trị nhiều thuốc đặc trị hoặc một số thuốc chuyên khoa nhưng các cơ sở sản xuất trong nước lại chưa sản xuất được. Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tính theo giá trị tại các BV tuyến Trung ương năm 2015 vẫn còn thấp (khoảng 11%). Nhiều thuốc chuyên khoa, đặc trị (tim mạch, tiểu đường, khối u…) và thuốc nguồn gốc sinh học ta chưa sản xuất được, do đó vẫn phải sử dụng hàng nhập khẩu. Tâm lý của người tiêu dùng là “hàng ngoại tốt hơn hàng nội” bao gồm cả thuốc phòng và chữa bệnh, khi có bệnh nhiều người dân không ngại giá cả sẵn sàng chi tiền mua “thuốc ngoại đắt tiền” để mong khỏi bệnh. Đó là chưa kể, thủ tục đấu thầu cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Traphaco được cho là công ty sản xuất thuốc Đông dược lớn nhất ở Việt Nam, tuy bán tốt tại các hiệu thuốc nhưng lại bị sụt giảm tại hệ thống cơ sở điều trị. Một trong những nguyên nhân là do luật đấu thầu của Việt Nam còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng…
Tất cả những điều đó cho thấy, quy định đấu thầu vẫn khó khăn với doanh nghiệp thuốc nội, tâm lý không tin thuốc nội đang gây khó. Nhưng trên hết là năng lực sản xuất thuốc nội chưa được như kỳ vọng. Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh, đối với các trang thiết bị và các thuốc đặc chủng thì “chúng ta còn lâu mới với tới được”. Vì vậy, điều cần làm hiện nay là ngành y tế nên tư vấn cho nhà nước xem các thiết bị nào, thuốc nào chúng ta có thể sản xuất được trong tương lai gần. Rõ ràng, ngành y tế cần có các nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả, tính ưu việt của việc sử dụng thuốc nội, đưa ra con con số chính xác để thuyết phục và tạo lòng tin cho bác sĩ và người dân. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất để làm sao danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều trị của các bệnh viện.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chúng ta vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt. Nếu được lựa chọn thì người dân sẽ mua cái rẻ hơn, giá như nhau thì dân mua cái tốt hơn. Nếu yêu nước thì chọn lựa hàng Việt với giá tương đương, chất lượng tương đương. Đối với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc. Mua xe hơi thì có thể dễ, nhưng mua thuốc thì khó. Người Việt mua thuốc Việt tùy thuộc vào thầy thuốc. Y tế là ngành đặc thù, là ngành chữa bệnh cứu người, vì vậy yếu tố công nghệ, kỹ thuật trong y tế rất quan trọng. Đơn cử nội soi phải dùng robot, công nghệ nước ngoài. Không nên gây ấn tượng cái gì cũng phải dùng hàng nội. Vì thế, để đẩy mạnh người Việt dùng thuốc Việt phải làm từng bước để vận động. Phải xây dựng hệ thống chính sách, kế hoạch triển khai, truyền thông. Trong đó, truyền thông rất quan trọng, nếu không có truyền thông, người dân không biết thuốc tốt ở đâu mà mua, hoặc không biết được đâu là sự lựa chọn tốt nhất.
LÂM NGUYÊN