Tạo sân chơi lành mạnh trong học đường

Báo SGGP ngày 8-5-2012 đăng bài “Sân chơi cho thanh niên: Thiếu, chưa hấp dẫn”. Quan tâm vấn đề này, nhiều bạn đọc đã nêu thêm ý kiến về việc nên chú trọng mở ra những sân chơi trong học đường, không cần tốn nhiều kinh phí mà vẫn đáp ứng được nhu cầu, sở thích của học sinh.

LTS: Báo SGGP ngày 8-5-2012 đăng bài “Sân chơi cho thanh niên: Thiếu, chưa hấp dẫn”. Quan tâm vấn đề này, nhiều bạn đọc đã nêu thêm ý kiến về việc nên chú trọng mở ra những sân chơi trong học đường, không cần tốn nhiều kinh phí mà vẫn đáp ứng được nhu cầu, sở thích của học sinh.

Học vui - vui học

Học sinh (HS) các lớp cuối cấp là 9 và 12 đang phải tập trung cao độ để bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng ý thức tập trung cho việc học tập và thi cử. Là nhà giáo, tôi thực sự băn khoăn khi thấy bên cạnh các HS miệt mài học tập, vẫn có nhiều em chẳng màng tới chuyện học hành, dù ngày thi đã cận kề nhưng vẫn thường xuyên không thuộc bài, không chịu làm bài tập, trốn học. Các HS này bị cuốn vào các điểm karaoke, bida, quán cà phê, hay những cuộc picnic. Các điểm dịch vụ internet vẫn thu hút rất đông HS vào chơi games, chat, tìm bạn bốn phương. Thật đáng lo khi thấy có phụ huynh than: “Tôi có con học lớp 12 rồi nhưng sợ cháu bỏ học đi chơi, nên sáng nào cũng phải đưa đến tận cổng, giữa buổi phải vào trường kiểm tra và cuối buổi đến rước về. Công việc gia đình bị trì trệ”.

Ngày thi càng đến gần, nhà trường và gia đình cần kết hợp chặt chẽ trong việc định cho HS một phương pháp học tập đúng đắn; hết sức tránh nhồi nhét, áp đặt bằng mệnh lệnh buộc các em lúc nào cũng phải học bài. Phụ huynh nên tạo điều kiện để con mình tự ôn tập tốt, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện thời khóa biểu học tập, vui chơi giải trí lành mạnh. Nhà trường cần chú ý hướng dẫn HS phương pháp tự ôn tập và tổ chức nhóm bạn học tập.

LÊ QUANG HUY (Cai Lậy, Tiền Giang)


Tạo sân chơi hấp dẫn

Khi học ở Trường THPT Diên Hồng (quận 10, TPHCM) con tôi rất thích những ngày nghỉ cuối tuần đến trường sinh hoạt cùng bạn bè. Cháu tham gia Đoàn Thanh niên và sinh hoạt cùng nhóm nhảy hip hop của trường, nên luôn hào hứng đến trường vào dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ. Để tạo sân chơi hấp dẫn, lành mạnh cho HS, nhà trường quan tâm tìm hiểu các HS thích gì, cần gì. Đây là một cách làm hiệu quả, thay vì áp đặt, buộc HS sinh hoạt theo khuôn mẫu, các trường nên mạnh dạn đầu tư sân chơi để các HS thể nghiệm, trải nghiệm và cảm thấy hứng thú với việc học hành sau những giờ phút được thư giãn.

Thực tế cho thấy hầu hết các trường học thuộc các cấp học trên địa bàn TPHCM đều thiếu sân chơi bổ ích, hấp dẫn và lành mạnh cho HS. Có chăng là vài hoạt động như bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, đá bóng, văn nghệ… Vì thế sau giờ học, ngày nghỉ cuối tuần hoặc trong kỳ nghỉ hè, HS không chọn sân trường để giao lưu, sinh hoạt, rèn luyện kỹ năng sống… Không ít HS lại chọn sân chơi không phù hợp, thậm chí thiếu lành mạnh như quán cà phê, bida, vũ trường, bar… Chúng tôi nhận thấy có nhiều rào cản với việc tạo sân chơi cho HS các cấp. Thường là do mặt bằng trường chật hẹp, thiếu trang thiết bị, thiếu kinh phí, nên khó tổ chức các loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn và phục vụ số đông; thiếu người hướng dẫn chuyên nghiệp để tổ chức các loại hình sinh hoạt, vui chơi hấp dẫn.

Ngoài ra, ban giám hiệu chưa mạnh dạn thể nghiệm mô hình sân chơi giải trí mới, hấp dẫn cho HS. Do chương trình học hiện nay chưa giảm tải bao nhiêu, cộng thêm bệnh chạy theo thành tích học tập nên nhiều trường không thể sắp xếp thời gian và không dám thay đổi tư duy trong việc tạo thêm sân chơi cho HS. Để môi trường học đường có thêm sân chơi cho HS, ngành giáo dục nói chung và từng trường nói riêng nên nắm bắt nhu cầu vui chơi giải trí của HS, tạo ra những sân chơi không cần tốn kém nhiều kinh phí nhưng vẫn thỏa mãn nhu cầu, sở thích, đam mê của các em.

PHƯỚC THANH (quận 10, TPHCM)


Trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Trong dịp sắp nghỉ hè này, nhiều phụ huynh ở TPHCM đang lên kế hoạch cho con mình có một kỷ nghỉ hè vui, bổ ích, không lãng phí. Và nhiều người đã nghĩ tới việc trang bị kỹ năng sống cho con bằng cách cho con tham gia các khóa huấn luyện quân đội. Hiện nay đang có nhiều trung tâm tư nhân tham gia tổ chức các khóa huấn luyện này, mỗi khóa chỉ học từ 7-12 ngày nhưng học phí từ 5,5 - 9 triệu đồng. Thực tế nhiều phụ huynh cho biết dù phải cho con học tốn kém như vậy nhưng chẳng thấy hiệu quả. Không chỉ chi phí cao, mà cơ sở vật chất không đảm bảo và việc dạy kỹ năng hoàn toàn do các “thầy cô” không chuyên đảm trách, đã khiến nhiều cha mẹ lo lắng khi giao con em mình. Sau khi “xuất ngũ” chẳng thấy các cháu có tiếp thu, chuyển biến gì.

Em Đặng Thị Bảo Ngọc, HS lớp 10 Trường Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn), tâm sự: “Học khóa huấn luyện quân đội rất mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều bạn ngất xỉu, kiệt sức hay có biểu hiện quá tải do vận động. Tuy nhiên, các “thầy cô” thường ít chia sẻ, mà lại kỷ luật theo nghi thức quân đội, làm nhiều “chiến sĩ nhí” cảm thấy chán nản”.

Thiết nghĩ, trang bị kỹ năng sống và tạo môi trường sinh hoạt, rèn luyện lành mạnh, bổ ích cho HS là điều rất cần thiết và đang là nhu cầu ngày càng cao. Do vậy ngay chính ngành giáo dục và Đoàn Thanh niên nên quan tâm tổ chức phối hợp mở ra những khóa học, sinh hoạt, rèn luyện kỹ năng sống cho HS, để phụ huynh có thể an tâm đăng ký cho con em mình tham dự trong dịp hè.

ĐOÀN XÁ (quận 12, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục