Có thể nói hầu hết những vướng mắc cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta từ vốn đầu tư cho tới việc khai thác hiệu quả hơn tài nguyên đất, bảo vệ nền sản xuất trong nước… đã được Thủ tướng Chính phủ cam kết tháo gỡ trong Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra chiều 18-12 tại TPHCM.
Theo đó, về vốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ có một gói tín dụng rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có chính sách ưu đãi theo hướng mở cho các khu nông nghiệp công nghệ cao. Để khai thác hiệu quả quỹ đất, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất. Thủ tướng cũng đã giao các bộ phải tháo gỡ ngay những rào cản trong lĩnh vực đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp…
Nhận định về sự kiện này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng: nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Quan trọng ở chỗ không chỉ tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách mà ý nghĩa hơn, nó cho thấy, đã có một lực lượng đặc biệt, có vốn, có trình độ sản xuất, quản lý, kinh doanh, đó là các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Để qua đó, giúp nền nông nghiệp Việt Nam có được các sản phẩm tốt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Hơn 70% người dân Việt Nam làm nông nghiệp nhưng đã nhiều thập niên lực lượng này chủ yếu sản xuất đơn lẻ theo hình thức hộ gia đình hoặc tham gia vào các HTX, các nông trường quốc doanh. Không phải tất cả các HTX hay các nông trường quốc doanh không có người biết quản lý hay thiếu nguồn lực mà vấn đề là mô hình này cũng giống như các doanh nghiệp quốc doanh thường hoạt động không hiệu quả hoặc có hiệu quả nhưng không cao. Sự manh mún và kém hiệu quả đã đẩy nền nông nghiệp nước ta vào tình trạng… khó lớn. Việc này có thể chứng minh bằng con số: hơn 70% có nghĩa là có tới khoảng 70 triệu người Việt làm nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp được khoảng 20% GDP. Trong khi ở những quốc gia phát triển, như Hà Lan, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 2% - 4% dân số nhưng đóng góp tới 40% GDP. Cũng không phải ngẫu nhiên khi mà ngành nông nghiệp vốn đã có nhiều vướng mắc, khó khăn từ lâu nhưng những năm gần đây mới dần dần được tháo gỡ. Đơn giản là do lực lượng lao động tản mát nên kiến nghị, đề xuất của họ cũng thường tản mát, không đủ mạnh để các cơ quan chức năng thấy ngay và giải quyết kịp thời. Cũng không phải từ trước đến nay chúng ta không có những nông sản tốt… Vải thiều Bắc Giang, bưởi da xanh Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc… đã tạo ấn tượng tốt ở ngay cả các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, châu Âu… Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, số lượng này còn rất ít so với tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam.
Thế nhưng, nếu chỉ có sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn: chưa đủ. Ngay từ bây giờ, bên cạnh những ưu đãi cho doanh nghiệp và những người tham gia vào sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần nghiên cứu ban hành ngay các quy định cần thiết để đảm bảo cho hoạt động này được phát triển một cách lành mạnh. Bởi lẽ vẫn đang có không ít băn khoăn về sự xuất hiện của các đại gia trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Họ tâm huyết thật sự với nền nông nghiệp nước nhà hay chỉ lợi dụng lúc Nhà nước đang có chủ trương ưu đãi cho nông nghiệp mà… nhảy vào kinh doanh? Tất nhiên với doanh nghiệp, lợi ích phải được đặt làm trọng tâm nhưng nếu chỉ có lợi ích thì mục tiêu mà Nhà nước hướng tới, xây dựng nền nông nghiệp sạch sẽ khó thực thi. Do vậy, bên cạnh những chính sách ưu đãi cho phát triển, Nhà nước cần nghiên cứu ban hành thêm các chính sách đảm bảo rằng nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp hướng tới nông sản sạch, chất lượng, để nền nông nghiệp Việt Nam có được nhiều hơn nữa những nông sản Việt mang đẳng cấp quốc tế. Trước hết là để phục vụ cho chính người dân Việt, để cho mỗi bữa ăn của người Việt đều là những bữa ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe. Sau nữa là xuất khẩu, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước.
Chưa hết, còn số phận của những người nông dân trong cuộc cách mạng nông nghiệp này. Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, “không thể tiếp tục để kéo dài tình trạng manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay”. Các bộ ngành chức năng sẽ phải tìm ra mô hình sản xuất nào phù hợp cho hộ cá thể và các HTX, nhưng nói như một cựu chiến binh đã khoác ba lô đi kháng chiến từ những năm 1940 với mục tiêu đấu tranh cho “người cày có ruộng”: chỉ mong rằng họ không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng về nông nghiệp này. Một kế hoạch đào tạo hướng dẫn người nông dân tham gia vào quy trình sản xuất mới nên sớm được triển khai thực hiện. Trong trường hợp người nông dân trở thành công nhân nông nghiệp thì các chế độ chính sách bảo vệ quyền lợi của họ cần sớm được nghiên cứu và ban hành. Tất cả phải đảm bảo rằng, trong cuộc cách mạng về nông nghiệp đặc biệt quan trọng này, từ người nông dân, Nhà nước đến doanh nghiệp đều phải là người chiến thắng.
Nguyễn Khoa