Tây Ninh ứng dụng công nghệ phòng chống dịch

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Tây Ninh đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng. Một trong những giải pháp quan trọng để đối phó với dịch bệnh là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khai báo y tế (KBYT), truy vết, quản lý tiêm vaccine… nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân các khu phong tỏa, giãn cách xã hội. 
Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Tây Ninh
Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Tây Ninh

Khai báo y tế điện tử

Từ đầu tháng 7-2021, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Sở TT-TT tỉnh phối hợp với sở ngành liên quan triển khai hệ thống khai báo thông tin giám sát người ngoài tỉnh qua mạng xã hội Zalo và ứng dụng Tây Ninh smart nhằm kiểm soát 100% người ngoài tỉnh khi vào Tây Ninh. Khi đến các chốt ở cửa ngõ, ngoài đo thân nhiệt, xuất trình giấy tờ của ngành y tế, nhân viên kiểm tra hướng dẫn cài đặt ứng dụng Zalo hoặc Tây Ninh smart trên smartphone để KBYT kết hợp với khai báo thông tin điểm đến được kết nối với Cổng thông tin Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tây Ninh. Sau khi khai báo, người dân sẽ được hướng dẫn các bước cần thực hiện khi về nơi đăng ký. Nhân viên kiểm tra thông tin phản hồi trên điện thoại của người dùng và cho qua trạm; người không có điện thoại di động thì nhân viên kiểm tra khai báo hộ. 

Để rút ngắn thời gian khai báo tại các điểm chốt cửa ngõ, Sở TT-TT, Sở GTVT và Sở Y tế tỉnh đã thống nhất phương án gộp thông tin KBYT và khai báo điểm đến thành một và có thể khai báo trước (không quá 1 giờ). Chỉ sau 2 ngày triển khai (8 đến 10-7),  người từ ngoài tỉnh về Tây Ninh khai báo tại các chốt kiểm soát hơn 3.750 người, giúp địa phương quản lý quá trình di chuyển, lưu trú của người dân và dễ dàng truy vết khi có người bị nhiễm bệnh.   

Ngoài ra, việc phổ biến tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng được tăng cường bằng hình thức trực tuyến. Tính đến ngày 3-8, qua hệ thống đăng ký trực tuyến trên nền tảng Tây Ninh smart và Zalo “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 Tây Ninh”, cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 5.300 hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. 

Tây Ninh cũng triển khai Tổng đài 1022 (0276 1022) miễn phí cước gọi về thông tin sức khỏe, người lao động gặp khó khăn do dịch… Từ ngày 26-7 đến 9-8, kênh này đã tiếp nhận 9.435 cuộc gọi của người dân liên quan tình hình dịch Covid-19. 

Đăng ký tiêm vaccine qua điện thoại

Anh Nguyễn Đức đang công tác tại huyện Dương Minh Châu đăng ký tiêm vaccine qua điện thoại và đã được tiêm 1 mũi, cho biết: “Dịch bệnh ngày càng phức tạp nên việc đi lại cũng khó khăn. Việc người dân đăng ký tiêm vaccine trực tuyến sẽ hạn chế việc tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Địa phương linh hoạt cho đăng ký ngày tiêm, đăng ký cho người thân khiến người dân hài lòng và tin tưởng”. 

Tây Ninh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19, theo kế hoạch đến tháng 4-2022 sẽ triển khai tiêm 76.650 liều được phân bổ đợt 4 cho các đối tượng ưu tiên. Việc đăng ký tiêm vaccine Covid-19 trực tuyến qua Cổng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh trên Zalo hoặc phần mềm Tây Ninh smart để người dân hạn chế tiếp xúc, đi lại không cần thiết đang mang lại hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với một tỉnh vùng biên giới còn nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức cho biết, hiện nay ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng các nền tảng công nghệ do Bộ Y tế, Bộ TT-TT triển khai tập trung như KBYT, quét mã QR, nền tảng tiêm vaccine Covid-19, nền tảng lấy mẫu xét nghiệm, Sở TT-TT còn xây dựng thêm một số ứng dụng, phần mềm phục vụ riêng theo yêu cầu của lãnh đạo địa phương. Để thuận lợi cho người dân, các ứng dụng phục vụ phòng chống dịch do địa phương xây dựng dựa trên nền tảng Zalo; do đa số người dân đã quen dùng Zalo. Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác phòng chống dịch ở địa phương thời gian qua đã góp phần công khai, minh bạch các thông tin về phòng chống dịch của chính quyền, qua đó tạo sự đồng thuận, chia sẻ của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, tính chủ động sáng tạo của ngành TT-TT Tây Ninh trong tham mưu, triển khai ứng dụng CNTT góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đa dạng hóa dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt ứng dụng CNTT phục vụ kịp thời, có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19. UBND tỉnh Tây Ninh cũng giao Sở TT-TT chủ công tham mưu, hiện thực hóa nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số theo lộ trình đề ra thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục