Thách thức trong chuyển đổi số

Việc hình thành hệ thống dữ liệu lớn quốc gia và liên thông dữ liệu là cơ sở đầu tiên, nền tảng quan trọng nhất cho quá trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Trong đó, đóng vai trò đặc biệt quan trọng là việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06).

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, đến tháng 4, đã cấp trên 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; thu nhận 26,1 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, phê duyệt 23,7 triệu hồ sơ và có 8,4 triệu tài khoản kích hoạt. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu trên 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ 83,28%)…

Đó là những con số tích cực, đáng ghi nhận trong triển khai Đề án 06 với quá trình CĐS quốc gia. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ, bởi như Thủ tướng Chính phủ đã từng nhiều lần nhắc nhở, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Đặc biệt, hệ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Vì vậy, cần phải quyết liệt, tránh tình trạng “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công, nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia. Tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân, doanh nghiệp. CĐS là để hình thành các hệ thống dữ liệu số hóa. Nếu các hệ thống dữ liệu đó không được liên thông, chia sẻ, xác thực lẫn nhau, thì chắc chắn quá trình CĐS chỉ là nửa vời, không thể có kết quả cuối cùng như mong đợi.

Hiện nay, đã có 60 tỉnh, thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Long An, Yên Bái, Điện Biên… thường xuyên tra cứu, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính tại cơ sở, đem lại nhiều tiện ích cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương đã kết nối nhưng hạn chế khai thác, sử dụng thông tin dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính; 3 tỉnh chưa hoàn thành kết nối là Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn.

Theo Văn phòng Chính phủ, trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo của Chính phủ nên dẫn đến tình trạng gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức. Đơn cử là việc thi hành quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022. Trong thực tế vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân khiến Thủ tướng Chính phủ phải có công điện chấn chỉnh về vấn đề này.

Cùng với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình CĐS, thì vấn đề hình thành, liên thông và khai thác hiệu quả, kịp thời các nguồn dữ liệu lớn quốc gia cần được ưu tiên. Bởi việc đó chính là nền tảng, xương sống của quá trình CĐS, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam. Dữ liệu bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp và khi hình thành cơ sở dữ liệu lớn quốc gia thì phải quay ngược lại phục vụ người dân, doanh nghiệp ở nhiều góc độ, quy mô. Điều đó khẳng định, người dân và doanh nghiệp là trung tâm của CĐS; được dễ dàng tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng kết quả từ quá trình này.

Tin cùng chuyên mục