Giới trẻ Việt Nam năm ngoái từng “phát cuồng” với 2 VĐV thể thao trẻ trung và tài năng là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và cầu thủ bóng đá Nguyễn Công Phượng. Nhiều người, không hẳn là những bạn trẻ yêu thể thao, đã tôn họ làm thần tượng, coi đấy như một động lực thực sự để phấn đấu trong cuộc đời, khi chứng kiến ý chí và nghị lực vươn lên mãnh liệt ẩn chứa trong sâu thẳm của hai con người nhỏ nhắn ấy, dù xuất phát điểm của họ ở môi trường thể thao không được như bạn bè cùng trang lứa.
Thể thao nhiều lúc tác động đến xã hội, đến cuộc sống của con người ta đến như thế. Điều tuyệt vời mà Ánh Viên hay Công Phượng đem lại còn chưa nhạt phai, thì giờ đây, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lại được ví như thần tượng mới của thể thao Việt Nam, thậm chí là của đủ mọi tầng lớp trong xã hội hiện nay, sau chiến thắng vang dội ở Rio de Janeiro 2016.
Tấm gương Hoàng Xuân Vinh, theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp đón xạ thủ này trở về, xứng đáng khiến hàng triệu trái tim Việt Nam phải thổn thức, tự hào. Nhìn lá quốc kỳ bay trên đỉnh cao Olympic, nghe tiếng quốc ca hùng tráng vang lên nơi xứ người, bất cứ người Việt Nam nào cũng thấy xúc động và hãnh diện. Trong lịch sử thể thao nước nhà, chưa từng có VĐV nào đạt đến thành tích giành HCV và HCB ở đấu trường danh giá Olympic như anh. Chính dấu ấn đặc biệt, chính phong cách sống thật giản dị, tận tâm, tận lực vì thể thao Việt Nam đó đã đưa Hoàng Xuân Vinh thành người hùng.
Sau thành công, Xuân Vinh càng được nể trọng hơn, khi chính anh từ chối nhận đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhấn mạnh rằng, nếu thể thao Việt Nam không dành cho anh cơ hội, nếu các HLV, chuyên gia và đồng đội ở đội tuyển bắn súng không động viên và chia sẻ những lúc khó khăn nhất, đâu có được Hoàng Xuân Vinh của chiến thắng hoàn hảo ngày hôm nay. Thế cho nên, danh hiệu nếu được Nhà nước phong tặng, nên dành cho tập thể ngành TDTT đã nỗ lực phấn đấu suốt nhiều thập kỷ qua để giúp đất nước cường thịnh về thể chất, mãnh liệt về tinh thần và hăng hái hòa nhập với bạn bè thế giới.
Chỉ trong vòng vài năm, nhờ thành công với thể thao, không ít những VĐV đã trở thành thần tượng đẹp trong lòng của bạn trẻ, giới trí thức và chính những con người này đã giúp thể thao xóa đi định kiến cho rằng “thể thao suy cho cùng chỉ dành cho kẻ vai u, thịt bắp”… Hơn thế, sự giản dị, chân thật và rất gần gũi người hâm mộ của những VĐV thể thao như Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Công Phượng, Phan Thị Hà Thanh, Vũ Thành An, Nguyễn Tiến Minh… càng khiến họ trở nên đáng quý, đáng trân trọng.
Thế nhưng, thể thao Việt Nam đã từng có những VĐV để lại hình ảnh rất đẹp trong mắt giới hâm mộ, nhưng càng nổi tiếng và thành công với thể thao, phẩm chất đạo đức lại có chiều hướng suy đồi. Mới đây, trung vệ Trần Chí Công, cầu thủ từng được nhiều đời HLV ngoại của ĐTQG mê mẩn vì tài năng và giàu khát vọng, lại lăng mạ trọng tài trên sân cỏ V-League, dẫn đến hậu quả bị treo giò đến 5 trận trong bối cảnh đội nhà rất cần người kinh nghiệm như anh. Đây là điều không mới, vì Chí Công trong quá khứ từng chửi rất “chợ búa” đối với HLV Lê Huỳnh Đức, sẵn sàng lao vào ăn thua đủ bằng nắm đấm với đồng nghiệp và ngay cả đồng đội trên sân, còn chuyện anh chỉ trích và đe dọa trọng tài thì như... cơm bữa.
Từ chỗ được quý mến như một thần tượng, là niềm tự hào của bóng đá Cần Thơ, giờ đây Chí Công giống như một nỗi ám ảnh không hơn không kém cho cả những người làm bóng đá cũng như giới mộ điệu nơi này. Điều đáng tiếc là nếu kiểm soát được suy nghĩ, thật chín chắn trước khi hành động, có lẽ Chí Công đã không rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã như hiện nay.
LÊ HÙNG