Thắng “Tài Dậu” ra đầu thú - Mở ra phần hậu vụ án Năm Cam?

Lãnh đạo đội bóng phải... chào thua

Việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an) vừa phải xin ý kiến cấp trên về đường hướng điều tra, khai thác sau khi trùm xã hội đen phía Bắc là Nguyễn Văn Thắng, tức Thắng “Tài Dậu” vừa bất ngờ ra đầu thú. Điều này cho thấy đây sẽ là nút thắt mở ra phần hậu vụ án Năm Cam ở khu vực phía Bắc.

Lãnh đạo đội bóng phải... chào thua

Trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), nguyên Trưởng ban chuyên án Năm Cam hiện là Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cho rằng Thắng là “em” của Năm Cam. Về vai vế, Thắng đứng hàng thứ 8 trong hơn 100 “ma đầu” thuộc băng nhóm Năm Cam. Từ năm 1978, Thắng đã có tên tuổi ở Hải Phòng dù sinh sống ở Hà Nội. Từ khi hợp tác với Năm Cam, Thắng học hỏi rất nhanh và đã nhanh chóng thâu tóm các băng nhóm xã hội đen ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng.

Theo lời khai của một đối tượng trong chuyên án Năm Cam, Thắng từng đứng ra lôi kéo, móc ngoặc khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu ở nước ngoài; từng móc nối, thao túng một đội bóng mạnh ở Hà Nội. Trong khi đó, Trưởng đoàn một đội bóng đá ở TPHCM vì đã cự tuyệt không để Thắng lôi kéo, thế nhưng sau đó, cấp dưới của vị này đã bị Thắng thao túng nên tức quá, xin thôi không quản lý đội bóng nữa! Cơ quan điều tra đã gửi một danh sách các cầu thủ, đội bóng cho một vị làm thanh tra ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để xử lý, thế nhưng “không có hồi âm, đâu vẫn hoàn đấy”.

Xã hội đen... có hạng

Tướng Tư Bốn cũng cho hay, có ba hành vi, dấu hiệu phạm tội nổi bật của Thắng. Đó là hành vi tổ chức cá độ bóng đá trong và ngoài nước, cụ thể, Thắng móc nối để dàn xếp tỷ số bóng đá trong nước; thứ hai là dàn xếp đưa hối lộ khi được giao quản lý các sòng bài; thứ ba là điều khiển các hoạt động xã hội đen trong băng nhóm Năm Cam.

Từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, tại Nam Định và Hải Phòng nổi lên nhiều băng nhóm hình sự với những tay anh chị khét tiếng. Tuy nhiên, từ những năm 80 trở đi, Thắng đã mở rộng địa hạt và trở thành người có vai vế trong giới xã hội đen ở hai địa bàn này. Khoảng những năm 2000-2001, Hải Phòng nổ ra cuộc tranh giành của các băng nhóm hình sự. Trật tự của giới xã hội đen Hải Phòng, Hà Nội bị lung lay, lộn xộn. Thắng đã ra tay, triệu tập các tay đầu đảng vào TPHCM “họp” nhằm “ổn định tình hình”. Sau cuộc họp đó, trật tự đã được lập lại. 

Sau khi đã trở thành trùm ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, Thắng bắt đầu thể hiện vị thế của mình tại TPHCM.  Có dạo “Dung Hà” “bật” Năm Cam và Hải Bánh, liên tiếp phá các mối làm ăn mà “ông trùm” bảo kê, Thắng đã huy động 20 tay chân từ Hà Nội chia làm hai đường vào TPHCM. Trong số này, có 10 đối tượng đi trên một chuyến bay; còn 10 tên khác trên một chuyến tàu hỏa tập kết về TPHCM. Sau buổi làm việc với nhóm của Thắng, Dung Hà xin thôi không phá “ông trùm”. 

Cùng ông trùm đứng sau các cuộc... đưa hối lộ

Cũng theo Tướng Tư Bốn, thông qua Nguyễn Văn Thuyết (Thuyết “buôn vua”), Thắng từng tìm cách tiếp cận một số cán bộ nhằm chạy tội cho Năm Cam trong thời gian bị giam ở miền Bắc. Một trong số này là Nguyễn Thập Nhất (nguyên Trưởng phòng kiểm sát giam giữ cải tạo, Viện KSND Hà Nội). Đối với các ông Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến thì theo tài liệu có được, Thắng không trực tiếp quan hệ mà thông qua Thuyết nhằm tác động chạy tội cho Năm Cam. Thắng “Tài Dậu” rất thân thiết với Thuyết “buôn vua”. Chính Thắng “Tài Dậu” đã đưa Dương Ngọc Hiệp (tức Hiệp “Phò mã”) gặp Thuyết để chạy cho ông trùm khỏi trại cải tạo ở Thanh Hà, Vĩnh Phúc.

Theo kết quả điều tra, tháng 6-1995, Hiệp “Phò mã” đã ra Hà Nội nhờ Thắng “Tài Dậu” dẫn đến gặp Trần Văn Thuyết, tại 91 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, để đặt vấn đề “chạy tội” cho Năm Cam thoát khỏi việc tập trung giáo dục cải tạo. Thuyết đồng ý và nói với Hiệp phải chuẩn bị tiền để đưa cho một số cá nhân có chức trách trong việc giải quyết vụ này, đồng thời yêu cầu gia đình phải viết đơn (kêu oan) cho Năm Cam, gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan pháp luật, cơ quan báo chí để gây áp lực.

Tướng Tư Bốn nhận xét: Việc điều tra làm rõ vai trò của Thắng “Tài Dậu” là không dễ. Giống như Năm Cam, Thắng thường đứng đằng sau các cuộc đưa hối lộ, chạy tội. “Trận này (ý nói đấu tranh với Thắng “Tài Dậu”) thắng hay thua phụ thuộc chính vào ba yếu tố. Yếu tố đầu tiên có tính quyết định là ở cơ quan điều tra; thứ hai là ở thái độ khai báo, hợp tác của Thắng; thứ ba là phải huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân. “Phải làm sao để dân tin, đứng ra tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của Thắng và đồng bọn”, ông Tư Bốn nói.

Nam Quốc

Chưa đặt vấn đề thành lập Ban chuyên án

Theo một nguồn tin có thẩm quyền, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa tính đến việc thành lập ban chuyên án điều tra vụ Thắng “Tài Dậu” như vụ Năm Cam trước đây. Cơ quan này hiện đã giao cho một phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra nghiên cứu, đề xuất giao vụ việc này cho đơn vị nào thụ lý để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an quyết định.

Hiện tại, Thắng “Tài Dậu” vẫn bị giam tại trại T16, Bộ Công an. Trước khi về Hà Nội đầu thú, Thắng trốn ở huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Trước đó, Thắng trốn ở thị xã Móng Cái, giáp với Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục