Thay đổi để bảo vệ nguồn cá

Cuộc họp trực tuyến nhằm thay đổi các điều luật nhằm hạn chế các khoản trợ cấp ngư nghiệp có hại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã kết thúc với những dấu hiệu khả quan. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt trải qua 20 năm đàm phán mà chưa có kết quả. 

Năm 2017, Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) ước tính có tới 1/3 tổng số nguồn dự trữ cá trên toàn cầu đang bị khai thác theo kiểu tận diệt. Còn theo WTO, các khoản trợ cấp ngư nghiệp toàn cầu ước tính từ 14 đến 54 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc được coi là nhà cung cấp hàng đầu về trợ cấp ngư nghiệp có hại, trị giá khoảng 5,9 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản 2,1 tỷ USD và Liên minh châu Âu 2 tỷ USD.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán về trợ cấp ngư nghiệp sao cho hợp lý, tránh tiếp tay cho hoạt động khai thác tận diệt kéo dài suốt 2 thập niên qua vẫn bế tắc trong một loạt vấn đề. Nổi cộm là việc áp dụng quy chế đặc biệt với nhóm các nước nghèo nhất, tuy đã được đa số các nước thành viên WTO đồng thuận, nhưng vẫn là vấn đề gây tranh cãi vì trên thực tế, rất nhiều nước khai thác cá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia đang phát triển.

Báo cáo mới đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia (Canada), dưới sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ Oceana, cho thấy 10 quốc gia đánh cá hàng đầu thế giới đang chi hàng tỷ USD cho các khoản trợ cấp ngư nghiệp có hại để không chỉ khai thác vùng biển nội địa của họ mà còn để đánh bắt cá ở vùng các quốc gia khác. Tờ Mongabay dẫn lời nhà khoa học Kathryn Matthews của tổ chức Oceana cho rằng các quốc gia giàu có hơn có thể tước bỏ an ninh lương thực của các quốc gia thu nhập thấp bằng cách mở rộng hoạt động đánh bắt của họ. Sản lượng đánh bắt của các tàu nước ngoài trong vùng biển của các nước thu nhập thấp có xu hướng lớn hơn các khoản trợ cấp và sản lượng đánh bắt trong nước, như ở Sierra Leone, Guinea-Bissau, nơi các đội tàu nước ngoài đánh bắt được lượng cá nhiều lần lượt gấp hai, gấp ba lần năng lực đánh bắt trong nước. 

Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala nhận định, sau hai thập niên, cơ quan này đã nhận được sự định hướng chính trị cần thiết để bắt đầu các cuộc đàm phán dựa trên văn kiện hướng đến một thỏa thuận cấm những trợ cấp ngư nghiệp có hại. Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala cũng thừa nhận vẫn còn rất nhiều “những khác biệt giữa các nước thành viên cần được giải quyết” trong việc bảo vệ một nguồn tài nguyên quan trọng mà hàng triệu người đang phụ thuộc vào đó để duy trì sinh kế.

Tin cùng chuyên mục