(SGGPO).- Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 18-8 có nhiều thay đổi so với bản dự thảo trước đây.
Đáng lưu ý, về quyền đặt tên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định giới hạn về đặt tên đối với người có quốc tịch Việt Nam mà không áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.
Đồng thời, bỏ quy định: “họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” do chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và quy định này cũng không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, theo đó quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được thực hiện thông qua phương pháp tuyên truyền, giáo dục.
Trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con do người mẹ quyết định, thay vì phải xác định theo họ của mẹ như tại dự thảo lần trước.
Trong khi đó, việc thay đổi tên đối với người dưới 14 tuổi lại có sự “siết lại” so với dự kiến trước đây. Tại dự thảo trước, điểm a khoản 1 Điều 28 quy định: “đối với người dưới 14 tuổi thì trong mọi trường hợp đều có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi chữ đệm, tên”.
Nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định của BLDS hiện hành thì mọi trường hợp đề nghị thay đổi họ tên đều phải có lý do nhất định để tránh sự tùy tiện. Trẻ em dưới 14 tuổi là độ tuổi đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý, nếu cho phép các em được thay đổi tên và chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào thì chưa phù hợp.
Tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo lần này được chỉnh lý theo hướng giữ lại các nội dung của Bộ luật Dân sự hiện hành về các trường hợp được thay đổi tên, chữ đệm.
ANH PHƯƠNG