Thay đổi tư duy xuất khẩu nông sản




Bến Tre là xứ sở của dừa và bưởi da xanh nhưng suốt một thời gian dài, 2 loại trái cây này chỉ tiêu thụ trong nước, hoặc xuất thô (dừa khô) sang Trung Quốc, giá trị thấp. Sau nhiều năm tìm tòi, đàm phán, tìm kiếm bạn hàng, trái dừa tươi của Bến Tre giờ đã có mặt ở các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada, nhất là sau khi dừa xiêm xanh và bưởi da xanh được công nhận chỉ dẫn địa lý.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài dừa và bưởi, Việt Nam còn có các loại trái cây xuất khẩu được vào các thị trường cao cấp gồm xoài, vải thiều, vú sữa, thanh long và mới đây nhất là chôm chôm đã vào được thị trường New Zealand. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, để xin được “visa” cho trái cây Việt, thời gian đàm phán mất 5-7 năm là chuyện bình thường, đó là chưa kể khâu tổ chức sản xuất, đóng gói… phải đạt yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó cho thấy quá trình hội nhập của nông sản Việt vào thị trường thế giới không ít cam go.

Lâu nay, nói đến xuất khẩu nông sản thường ai cũng nghĩ đến xuất thô và luôn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngưng mua dưa hấu, thì các ngành, các cấp lại bàn chuyện giải cứu dưa hấu. Thanh long và nhiều loại trái cây khác cũng vậy. Nguyên nhân, các chuyên gia, các vị lãnh đạo ngành nông nghiệp đã nói rất nhiều, đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà không chú trọng đến chất lượng, đầu ra cho nông sản. 

Lỗi thì nhiều nhà đều mắc phải, nhưng chịu thiệt vẫn là nhà nông! Một chuyên gia về thương mại cho rằng, Việt Nam đang được nhắc đến là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới ở nhiều loại mặt hàng. Tuy nhiên, làn sóng xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới tập trung vào việc gia tăng số lượng xuất khẩu. Thực tế, Việt Nam đã và đang xuất khẩu hầu hết sản phẩm dưới dạng thô, xuất khẩu “những gì mình có” thay vì xuất khẩu “những gì thị trường cần”. Điều đó có thể nhận thấy qua việc Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu… nhưng giá trị thu về lại chưa tương xứng với số lượng. Trong đó, gạo là một ví dụ điển hình, khi là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu! Trong bối cảnh đó, nỗ lực để đưa mặt hàng trái cây nhiệt đới ở nước ta vào các thị trường khó tính của các doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận, góp phần thay đổi tư duy về xuất khẩu nông sản hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, nông sản Việt Nam đã có mặt tại khoảng 180 nước, kể cả một số thị trường khó tính như Mỹ, Australia và liên tục xuất siêu. Nếu năm 2003 xuất khẩu nông sản mới đạt 105 triệu USD, thì đến năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để khắc phục được tình trạng thiếu chuỗi liên kết, chất lượng nông sản còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp chưa cao, xây dựng thương hiệu yếu, chưa đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, tổ chức thị trường kém... các chuyên gia cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình thay đổi tư duy trong sản xuất và xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động như hiện nay. Đó là áp dụng đồng bộ giải pháp công nghệ và thị trường. Phải xem công nghệ là giải pháp đắc lực để quản lý chất lượng nông sản và liên kết chuỗi, giúp tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản thế giới, giúp doanh nghiệp và người dân có hướng sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản phù hợp, tránh thiệt hại và giảm những rủi ro không đáng có. Ngoài ra, việc chọn thị trường làm mục tiêu, mới góp phần nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường xuất khẩu, không chỉ bán sản phẩm thô mà cần hướng tới sản phẩm chế biến nhằm giảm tính phụ thuộc vào thời vụ, từ đó tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Như vậy, đối với nhà nông, chủ thể chính của nền nông nghiệp, cần phải thay đổi một cách căn bản tư duy sản xuất, mạnh dạn loại bỏ cách sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và tăng cường liên kết, gia nhập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với doanh nghiệp, ngoài nỗ lực tìm kiếm thị trường, cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm, không chỉ ở giai đoạn vận chuyển mà phải kiểm soát chặt chẽ trong toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, giúp nhà nhập khẩu thuận lợi phân luồng an toàn thực phẩm. Về mặt quản lý vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường; xây dựng và phổ biến chính sách hướng dẫn sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, phải lưu ý vấn đề sản xuất những sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường. Các cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh việc kết nối chính sách với cơ quan hải quan, kiểm dịch của các nước hữu quan để tạo điều kiện thuận lợi và kênh thương mại thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu nông sản; phát huy vai trò các tổ chức tài chính, tín dụng, cùng chia sẻ rủi ro với nông dân; tăng cường ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến nông sản, nhằm bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa.

Có như vậy, nông sản Việt mới có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới, không rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa và thường xuyên phải “giải cứu” như thời gian vừa qua!

Tin cùng chuyên mục