Thay huấn luyện viên, rồi sao nữa?

Như vậy là sau gần 2 năm sử dụng HLV ngoại - ông Toshiya Miura đến từ Nhật Bản, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã quyết định sẽ quay lại với các nhà cầm quân trong nước. Cũng cần phải nói thêm, trước khi ông Miura đến Việt Nam, lần đầu tiên sau 17 năm dùng chuyên gia ngoại, VFF đã thử nghiệm với 2 HLV nội khác nhau cho 2 đội tuyển quốc gia và U.23 vào các năm 2012, 2013. Kết quả không được như mong đợi, nếu không nói là thất bại. Đó chính là lý do mà VFF khóa 7 trở lại với phương án “thầy ngoại”.

Cũng vì thế, dư luận đang hồ nghi quyết định trở lại dùng HLV nội của VFF. Người ta tự hỏi, liệu đây là một chiến lược dài hạn hay chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh HLV Miura đang bị chỉ trích nặng nề. Bản thân nội bộ VFF khi bỏ phiếu thông qua quyết định nói trên cũng không có sự đồng thuận cao, thậm chí còn “lửng lơ” là nếu không có HLV nội nào chấp nhận làm việc thì sẽ tiếp tục thuê chuyên gia ngoại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, HLV nội hay ngoại đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Nếu HLV ngoại đem đến tính khoa học, kỷ luật qua những phương pháp làm việc hiện đại cũng như không chịu sự tác động từ các mối quan hệ thì HLV nội lại có ưu điểm là am hiểu nội tình bóng đá Việt Nam, năng lực của các cầu thủ và áp dụng được lối chơi phù hợp.

Nói cách khác, dùng HLV nội hay ngoại tùy vào mục tiêu của VFF: Nếu chỉ cần sự am hiểu và các thành tích ngắn hạn, HLV nội hoàn toàn có thể đáp ứng, nhưng nếu muốn xây dựng các đội tuyển một cách dài hạn, có khả năng thích ứng với trình độ bóng đá thế giới thì sử dụng “chất xám” từ bên ngoài là điều hợp lý hơn, bởi trình độ của HLV Việt Nam hiện nay cũng có những hạn chế nhất định.

Rõ ràng, bản chất của vấn đề nội - ngoại đó là nằm ở cơ chế và định hướng phát triển đối với các đội tuyển quốc gia. Không ai nói HLV nội là kém tài. Hiện đang có những cựu danh thủ của “Thế hệ vàng” thành công trong vai trò huấn luyện tại các CLB hàng đầu của bóng đá Việt, tiêu biểu như Lê Huỳnh Đức (CLB Đà Nẵng) hay Nguyễn Hữu Thắng (SLNA), những cái tên đang được VFF nhắm đến để mời khi đáp ứng được các tiêu chí về trình độ cũng như uy tín. Tuy nhiên, đây cũng không phải là lần đầu VFF chọn HLV nội, nhưng cũng như cách đây 2 năm, chưa chắc những nhà cầm quân trong nước đã cảm thấy vinh hạnh để hào hứng gật đầu khi mà việc trở thành “thuyền trưởng” tại đội tuyển luôn chịu áp lực nặng nề, nguy cơ sụt giảm uy tín cá nhân rất lớn, trong khi VFF luôn bị tác động từ dư luận, thiếu nhất quán trong cách quản lý khiến các HLV phải chịu thiệt thòi.

Vì thế, dư luận cho rằng, chuyện chọn HLV nào cho các đội tuyển nên giao hẳn cho một bộ phận chuyên môn mà đứng đầu là một Giám đốc kỹ thuật. Đây mới là vị trí cần sử dụng chuyên gia nước ngoài để xây dựng một kế hoạch dài hạn về con người lẫn lối chơi cho các đội tuyển phù hợp với năng lực của bóng đá Việt Nam. Chính bộ phận chuyên môn ấy mới đủ thẩm quyền đánh giá và giám sát trình độ của các HLV trước và sau khi thuê.

Một khi VFF vẫn còn trong tình trạng thiếu thống nhất về quan điểm xây dựng các đội tuyển như hiện nay, có thuê HLV nào cũng dẫn đến một kết cục không khác mấy trường hợp của D.Goezt, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc hay Toshiya Miura.

Bóng đá Việt Nam hiện đang sa sút trên mọi mặt, từ khâu đào tạo trẻ cho đến hệ thống các giải đấu nên chất lượng của cầu thủ Việt Nam cũng không còn như trước. Chính vì vậy, hãy khoan vội quyết định là HLV nội hay ngoại, cũng không nên duy ý chí đặt ra các mục tiêu như HCV SEA Games, vô địch AFF Cup. Điều cần thiết nhất lúc này đó là củng cố lại bộ máy của VFF, thống nhất về tầm nhìn dài hạn, tập trung vào việc triển khai chiến lược phát triển bóng đá để lấy đó làm cơ sở xây dựng các bộ phận chuyên môn có chất lượng, nhằm đáp ứng các yêu cầu mang tính cấp bách đó.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục