Chủ đề của Ngày SHTT thế giới năm nay là “Vươn tới giải Vàng: SHTT và thể thao” với mong muốn tập trung phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về khía cạnh mới trong việc áp dụng những luật bảo vệ SHTT vào ngành kinh doanh thể thao. Từ đó giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn.
Ông Đinh Hữu Phí cho rằng, SHTT và thể thao có các giá trị chung như sự sáng tạo, luôn vươn tới đỉnh cao, sự nỗ lực hết mình, sự tôn trọng và tinh thần fair-play. Mối quan hệ kinh doanh được tạo dựng từ quyền SHTT giúp bảo đảm giá trị kinh tế của thể thao.
Hiện nay, tại Việt Nam có 1.897 doanh nghiệp đăng ký 2.622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao, nhưng sáng chế trong vòng 10 năm trở lại đây vẫn còn khá khiêm tốn. Đây cũng là dư địa lớn cho việc phát triển sản phẩm tạo ra các công cụ, phương tiện trong hoạt động thể dục thể thao. Những vận động viên thể thao có thể tạo thu nhập từ hợp đồng tài trợ với các thương hiệu nổi tiếng, nhờ đó giá trị của các thương hiệu được nâng cao thông qua hình ảnh các vận động viên. Bên cạnh đó, bản quyền các giải đấu cũng giúp người hâm mộ tiến gần hơn với các hoạt động thể thao.
Việc áp dụng Luật SHTT vào ngành kinh doanh thể thao sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn. Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH-CN, nhận xét: “Sự liên quan giữa SHTT và thể thao có thể thấy từ cách doanh nghiệp sử dụng bằng sáng chế và thiết kế để phát triển công nghệ, chất liệu, phương pháp huấn luyện, thiết bị để giúp các vận động viên cải thiện thành tích thể thao và thu hút người hâm mộ trên toàn thế giới. Bộ KH-CN luôn nỗ lực hết mình để tạo ra các thể chế, cơ chế mạnh mẽ nhất, phù hợp nhất, khuyến khích bảo hộ thỏa đáng và đầy đủ SHTT, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo”.
Ngày SHTT thế giới (World Intellectual Property Day - viết tắt IP Day) ra đời vào năm 2000, khi các quốc gia thành viên của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) quyết định lấy ngày 26-4 hàng năm là IP Day - ngày Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970. Đây là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về SHTT trên toàn thế giới và đóng góp vào sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.