Năm 2016, Đà Nẵng đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (Asian Beach Games) với mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy tăng trưởng du lịch địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, ấn tượng duy nhất mà người ta còn nhớ về sự kiện ấy là vị trí số 1 của đoàn thể thao Việt Nam. Không có một báo cáo nào thể hiện những thành công về khía cạnh kinh tế du lịch. Ngay cả thành công về thể thao cũng không ai muốn nhắc lại, bởi lẽ các nhà tổ chức đưa quá nhiều môn không liên quan gì đến thể thao dưới nước như võ cổ truyền, vật, đá cầu… vào thi đấu, trong khi thiếu những môn bãi biển như thuyền buồm, lướt ván hay bơi nghệ thuật.
Thể thao đỉnh cao ngày nay gắn liền với du lịch. Đó có thể là việc khai thác kinh doanh trực tiếp, hoặc cao hơn là quảng bá du lịch địa phương. Các giải thể thao quy mô toàn cầu đều gắn liền với tên của địa phương đăng cai để “ăn theo”. Tiêu biểu như các sự kiện đua xe F1 hiện có đến hơn 20 chặng đua Grand Prix mà sắp đến Việt Nam sẽ là một chặng đua. Hoặc, các giải chạy Marathon quốc tế gắn tên với các thành phố lớn nhất thế giới như New York, London. Các cuộc đua thuyền buồm xuyên lục địa cũng từng chọn Việt Nam làm điểm đến…
Sự gắn kết giữa thể thao và du lịch còn được phát triển nhiều hơn khi xuất hiện hàng loạt môn chơi thể thao có tính chất mở rộng về không gian và đối tượng như đi bộ leo núi phát triển từ loại hình du lịch trekking (du lịch dã ngoại) nhưng có tổ chức thi đấu; cuộc thi về chịu đựng sức bền Triathlon phát triển từ 3 môn chạy, bơi đường dài và đạp xe… Ngoại trừ các môn thi đấu trong nhà mang tính cá nhân cao, thì phần lớn những môn thể thao ngoài trời hiện nay đều tìm cách gắn liền với hoạt động thương mại du lịch và tiếp thị hình ảnh.
Chính vì thế mà nhiều người đã thấy tiếc khi Việt Nam không tận dụng được Asian Beach Games 5 vì quá chú trọng thành tích thi đấu. Sự kiện đó thậm chí cũng không được các nhà quản lý thể thao tận dụng để xây dựng đội ngũ VĐV hoặc đưa ra chiến lược thúc đẩy sự phát triển của các môn thể thao biển, mà về lý thuyết rất dễ gây dựng phong trào ở Việt Nam.
Việt Nam chắc chắn là “thiên đường” của các môn thể thao ngoài trời, bởi ưu thế về địa hình đồi núi kéo dài, bờ biển đẹp và thời tiết thuận lợi. Chúng ta cũng có một số giải đấu được tổ chức từ rất lâu theo mô hình quảng bá du lịch như leo núi Bà Rá, Bà Đen, Tà Cú hoặc các cuộc đua xe đạp xuyên Việt… nhưng để nâng tầm quy mô trở thành sự kiện thể thao chuyên nghiệp, kéo được người hâm mộ từ nhiều nơi đến tham dự, thì cũng chỉ mới gần đây có cuộc chạy Vietnam Mountain Marathon ở Sapa (đã tổ chức được 7 lần). Hay gần nhất là cuộc đua Marathon chuyên nghiệp tại Quy Nhơn (Bình Định).
Nếu so với số địa danh du lịch gắn liền với cảnh quan thiên nhiên mà Việt Nam hiện có thì các sự kiện thể thao có tầm vóc như trên thực sự quá ít, nếu không nói là thể thao Việt Nam đang lãng phí lớn một không gian để phát triển phong trào thể dục thể thao toàn dân. Nhu cầu dịch chuyển và điều kiện đi du lịch của người dân ngày càng tăng, đất dành cho thể thao phong trào ở đô thị ngày càng ít, thì chính loại hình thi đấu thể thao kết hợp du lịch lẽ ra cần được các nhà quản lý thể thao nhìn thấy từ lâu.
Ở góc độ khác, sự ủng hộ tài chính và cơ sở vật chất đến từ các địa phương đăng cai cũng sẽ tích cực hơn nhiều so với những cuộc thi đấu trong nhà quy mô hẹp. Chính vì thế, cần thiết phải có một cuộc hội thảo dành riêng cho nội dung thể thao này đến từ quản lý ngành văn hóa, thể thao, du lịch để có một cái nhìn toàn diện, tạo ra sự gắn kết về lợi ích nhanh hơn giữa các ngành với nhau.