Một trong những nguyên nhân khiến U.19 Việt Nam phải dừng bước tại giải U.19 châu Á, đó là sự thua kém về thể hình, dẫn đến tranh chấp không bằng các đối thủ cao to đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, cũng như không duy trì được cường độ thi đấu suốt 90 phút nên để lọt lưới những bàn thua quan trọng trong 10 phút cuối trận. Nguyên nhân này được cho là khách quan khi thể chất chung của người Việt Nam cũng thuộc nhóm kém nhất châu lục. Vì lẽ đó, dù có kỹ thuật tốt, tinh thần thi đấu tích cực nhưng khả năng nâng cao thành tích của U.19 Việt Nam rất khó. Ở độ tuổi này, không dễ để thay đổi tình trạng thể lực dù có thuê chuyên gia giỏi hay áp dụng phương pháp tân tiến.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là nguyên nhân hoàn toàn chủ quan và trách nhiệm thuộc về những người quản lý thể thao.
Thứ nhất, tại sao các VĐV thể thao đa số đều có xuất thân từ gia đình nghèo, dinh dưỡng vốn đã kém từ khi còn nhỏ, trong khi những gia đình khá giả, sinh sống ở đô thị lại không muốn con mình thi đấu thể thao? Câu trả lời rất đơn giản: Thể thao Việt Nam chưa chuyên nghiệp, không khuyến khích được người dân chơi thể thao thường xuyên và tìm kiếm thu nhập từ đó.
Minh chứng cụ thể nhất là bóng đá tại TPHCM hay Hà Nội đang ngày càng kém phát triển mảng đỉnh cao, khi thiếu hụt nguồn cung cấp. Các trường dạy bóng đá ở TPHCM thiếu học viên nghiêm trọng dù đã tuyển sinh ngay tại các trường học. Ngay như cầu thủ của học viện HA.GL - Arsenal cũng đa phần đến từ các vùng quê nghèo tại Nghệ An, Quảng Ngãi… Môn bóng đá có tính đại chúng mà còn như vậy, các môn ít người chơi khác tại Việt Nam hiện vẫn đào tạo theo mô hình “nuôi gà chọi”, tức là chỉ cố gắng tìm người có tố chất phù hợp rồi tập trung đào tạo chuyên môn chứ không trải qua sự sàng lọc từng bước, do không đủ người.
Tóm lại, với những gia đình khá giả có con cái phát triển tốt về thể chất thì chỉ muốn chơi thể thao để giữ sức khỏe. Ngược lại, nhà không đủ điều kiện thì đành để con thi đấu thể thao tìm đường “thoát nghèo”. Theo GS-TS Dương Nghiệp Chí - người có hàng chục năm nghiên cứu về khả năng phát triển thể chất người Việt - thì hiện nay, việc phát triển thể thao học đường còn quá kém, trong khi đây lại là môi trường sản sinh tài năng thể thao hội đủ 2 yếu tố tư duy lẫn hình thể.
Thứ hai, theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng trong quá trình đào tạo VĐV không được xem trọng. Ví dụ như lứa cầu thủ U.19 Việt Nam, các chuyên gia từ hãng dinh dưỡng Nutifood đánh giá là ăn uống không đúng suốt quá trình học đá bóng nên đến độ tuổi hiện nay thì có muốn thay đổi cũng không dễ.
Trường hợp cụ thể như VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên sang Mỹ tập huấn từ năm 15 tuổi, đã tiến bộ vượt bậc về thành tích nhờ tuân theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt tại Mỹ. Tuy nhiên, ngân sách để đầu tư cho một mình Ánh Viên có thể bằng cả năm đầu tư cho một đội tuyển quốc gia ở các môn khác. Nói như vậy để thấy, nếu nền thể thao tiếp tục được bao cấp bởi ngân sách nhà nước, không tìm ra nguồn thu thì có muốn tăng chất lượng dinh dưỡng cho VĐV cũng đành chịu vì không có tài chính.
Tóm lại, hãy khoan nói đến chuyện nâng cao thể hình và thay đổi đẳng cấp trong thi đấu thể thao đỉnh cao, nếu không thu hút được người tham gia và thi đấu như một công việc có thu nhập cao. Nếu có một nền thể thao chuyên nghiệp thực thụ thì chắc chắn không thiếu nhân tài đối với đất nước hơn 80 triệu dân. Đây chính là bài toán chỉ có những nhà quản lý mới giải được.
VIỆT QUANG