Thêm một bài học từ lũ

Hiện đã có hàng ngàn hécta lúa ở ĐBSCL bị nước nhấn chìm và phải thu hoạch “non” để chạy lũ. Cách đây hơn 10 ngày, UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu ngưng thi công các công trình không trọng yếu để tập trung các thiết bị như máy côbe, xáng cạp tập trung gia cố cho hệ thống đê bao chống lũ. Hiện nhiều xã ở Đồng Tháp huy động hàng trăm người từ nhiều lực lượng để bảo vệ đê. Trong những ngày qua, nhiều hình ảnh như nước lũ ngập sân trường, học sinh nghỉ học, nước tràn qua mái nhà, nhiều tuyến đường nông thôn, đê bao bảo vệ lúa sạt lở nghiêm trọng lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nước lũ tràn qua một vài tuyến đê bao trong những ngày tới là điều khó tránh khỏi vì dự báo lũ sẽ tiếp tục lên. Ít nhất có 2 trẻ em đã chết vì lũ, 4 người ở Đồng Tháp may mắn được cứu thoát khi chìm ghe ở vùng lũ!

Người dân ở Long An, An Giang, Đồng Tháp… đang nơm nớp lo âu khi nước lũ ngày càng dâng cao, nhiều nơi vượt mức báo động 3 và sẽ tiếp tục lên trong những ngày tới do hiệu ứng triều cường. Phải thừa nhận, lũ lớn đã mang lại nhiều nguồn lợi khi người dân tận dụng đánh bắt thủy sản.

Phần lớn các công trình chống lũ ở ĐBSCL đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nỗi lo hiện nay chủ yếu dồn vào diện tích sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông). Có lẽ chính Bộ NN-PTNT cũng khó ngờ lũ năm 2011 lại lớn như thế! Lúa vụ 3, vụ lúa ẩn chứa nhiều rủi ro khi diện tích gieo sạ thường bị mưa và lũ chụp đang còn tranh luận. Tuy nhiên năm 2011, Bộ NN-PTNT đã quyết định tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3 nhằm tăng thêm sản lượng khoảng 500.000 tấn kèm khuyến cáo các địa phương chỉ sản xuất ở những vùng có đê bao vững chắc.

Tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương ở một số nơi vẫn chủ quan nghĩ rằng lũ nhỏ nên gia tăng diện tích sản xuất. Số lượng đăng ký xuống giống ở nhiều địa phương “vượt kế hoạch”, đưa diện tích lúa vụ 3 ở ĐBSCL lên khoảng 600.000 ha. Hàng ngàn hộ dân ở Kiên Giang, Đồng Tháp đã “ôm hận” khi xuống giống lúa vụ 3 ở những vùng không được khuyến cáo, bị lũ chụp mất trắng. Nhiều diện tích lúa vụ 3 sản xuất lần đầu ở những vùng mới hình thành đê bao đang được nước lũ “khảo nghiệm”, mà nguy cơ các tuyến đê trụ lại không bị vỡ hoặc ngăn được nước tràn qua là rất mong manh.

Nỗ lực của nhiều địa phương huy động phương tiện, sức người bảo vệ các tuyên đê, giữ lúa vụ 3 hiện nay là đáng trân trọng và cần động viên. Sẽ là quá sớm để “kiểm điểm” tâm lý chủ quan ở một số địa phương muốn “vượt kế hoạch” sản xuất lúa vụ 3 nhưng chắc rằng sẽ có nhiều bài học đắt giá được rút ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà việc đem lúa vụ 3 “đong đưa với lũ” là một điển hình!

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục