Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Ngày 7-3, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm, trong đó công bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia.

Theo TTXVN, tại buổi gặp, hai bên đánh giá Việt Nam-Australia đã xây dựng quan hệ đối tác bền vững, hợp tác, hữu nghị dựa trên sự tin cậy chính trị và tôn trọng lẫn nhau; chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng.

img2056-17097764967011096173634-8612.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới buổi họp báo, thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên mức cao nhất - quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Ảnh: VGP

Việc Việt Nam-Australia nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước sâu rộng, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thương mại đầu tư, nông nghiệp, quốc phòng, giáo dục, đào tạo…

Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia có thêm một số trụ cột về hợp tác chống biến đổi khí hậu, môi trường và hợp tác về năng lượng, trong khi cả Australia và Việt Nam đều có cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

img2068-17097764994201911345068-7848.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ góp phần tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: VGP

Hai bên đã trao đổi, nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; lao động, việc làm; đồng thời thảo luận về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để bảo vệ và thúc đẩy an ninh ổn định trong khu vực, trong đó nhất trí một thỏa thuận đối tác về gìn giữ hòa bình; đồng thời nâng tầm đối thoại về an ninh giữa Việt Nam và Australia lên cấp Bộ trưởng.

Thủ tướng Australia cho rằng, với 350.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Australia và tiếng Việt là ngôn ngữ được nói nhiều thứ tư tại Australia, những mối liên hệ giữa hai nước trải dài qua nhiều thế hệ và nhiều khu vực địa lý, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia sẽ được triển khai hiệu quả.

img2061-17097764973752002845191-3866.jpg
Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia có thêm một số trụ cột về hợp tác. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khuôn khổ quan hệ mới này sẽ góp phần tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Với khuôn khổ quan hệ mới này giữa hai nước, Thủ tướng khái quát, bổ sung thành "6 điểm hơn" gồm: Tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; Thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; Hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; Giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở, chân thành hơn; Hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về an ninh-quốc phòng, hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hai bên cũng nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; thúc đẩy đối thoại hòa bình, xây dựng lòng tin giữa các nước; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN...

Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải... tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhất trí trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện, mang lại lợi ích cho nhân dân khu vực và các nước có liên quan.

Hai bên thống nhất tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân, doanh nghiệp hai nước đến sinh sống, làm việc và học tập ở mỗi nước.

Trước đó, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết và trao 11 văn kiện hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo; năng lượng và khoáng sản; nông, lâm, ngư nghiệp; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lao động, việc làm; thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng; quốc phòng và gìn giữ hòa bình; tư pháp.

Tin cùng chuyên mục