(SGGP).- Chuyện giáo dục ở ĐBSCL đứng ở tầm thấp so với cả nước được nêu ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng theo tôi, chủ yếu xuất phát từ cung cách quản lý và chất lượng người thầy.
Thứ nhất, việc bố trí nhân sự vào các vị trí lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó) hay lực lượng gián tiếp (văn thư, kế toán, thư viện, thiết bị…) bấy lâu nay đều lấy từ giáo viên đứng lớp có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi.
Điều thuận lợi là họ tạo được sự tín nhiệm của tập thể giáo viên và học sinh cũng như đối với bên ngoài xã hội. Ngược lại, khi giáo viên ấy chuyển sang làm quản lý thì học sinh mất đi người thầy giỏi.
Như vậy, về mặt xã hội họ được tiến thân nhưng về mặt chuyên môn đó lại là bước lùi. Có giáo viên không hài lòng chuyện áp đặt này nhưng phải bấm bụng chịu. Thực tế cũng chứng minh: người giỏi chuyên môn chưa hẳn đã làm tốt công tác quản lý, ngược lại, có giáo viên chuyên môn chỉ ở mức đạt yêu cầu nhưng quản lý rất tốt, được sự tín nhiệm của tập thể giáo viên, học sinh cũng như cấp trên.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên khi đã vào biên chế thì thường an phận, chỉ biết truyền lại những gì có trong sách giáo khoa, không thổi được hồn vào bài giảng nên học sinh mất đi hứng thú. Họ chỉ biết trông chờ sách báo, tạp chí từ trên đưa xuống chứ không chịu khó mày mò, tìm hiểu.
Gần đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo có chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, có một số giáo viên tìm cách đối phó như: việc vào điểm, cộng điểm thì nhờ con cháu biết vi tính làm hộ, soạn bài giảng điện tử thì thuê người khác làm, lên lớp chỉ click chuột tới lui…
Còn chuyện nam giáo viên vùng ĐBSCL nhậu nhiều hơn các nơi khác là có thật. Ban đầu đổ lỗi do nể tình phụ huynh nhưng dần dần có người nghiện rượu. Mặc dù vậy nhưng nghe báo cáo là số giáo viên giỏi các cấp luôn chiếm trên 2/3. Giáo viên giỏi nhiều nhưng chất lượng giáo dục vẫn ở “vùng trũng”, thấp nhất cả nước, tỷ lệ học sinh bỏ học cao thì không thể lý giải?
Trên đây chỉ là hai trong nhiều nguyên nhân trước mắt mà ngành chức năng có thể khắc phục được. Chính những bất cập này làm trì trệ giáo dục ở ĐBSCL.
LÊ QUANG HUY (Tiền Giang)