
Theo hãng tin AP, sau hơn một thập kỷ đàm phán, Iran và Nhóm P5+ 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân.
Mở ra cơ hội hợp tác
Bản thỏa thuận đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Tehran và các nước phương Tây. Phương Tây luôn nghi ngờ Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân sự của mình để làm vỏ bọc phát triển vũ khí hạt nhân. Iran đã phủ nhận cáo buộc này.
Bản thỏa thuận dài gần 100 trang, trong đó có nội dung các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và LHQ áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo bom hạt nhân. Thỏa thuận này yêu cầu Iran phải cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở hạt nhân khả nghi, kể cả cơ sở quân sự, trong vòng 24 ngày nếu nhận được yêu cầu từ đa số thành viên của một ủy ban thuộc Hội đồng Bảo an LHQ phụ trách giám sát thỏa thuận này. Ủy ban bao gồm 8 thành viên: Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Mỹ, Iran và Liên minh châu Âu (EU). Tehran sẽ cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, từ khoảng 19.000 xuống còn 6.104 máy.

Hình ảnh phiên đàm phán về chương trình hạt nhân Iran
Iran sẽ duy trì số lượng máy ly tâm nói trên trong vòng 10 năm. Nước này sẽ được tiếp cận số tài sản bị đóng băng trị giá hơn 100 tỷ USD khi thỏa thuận được thực thi. Điều này phụ thuộc vào thời điểm Tehran kiềm chế chương trình hạt nhân và được IAEA xác nhận. Hội đồng Bảo an LHQ có thể tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong vòng 65 ngày nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận. Ngoài ra, một lệnh cấm vận vũ khí của LHQ vẫn có hiệu lực trong 5 năm, còn lệnh cấm vận tên lửa sẽ được duy trì trong 5 năm.
Bản thỏa thuận đạt được sau 18 ngày đàm phán kéo dài tại Vienna, Áo. Việc đạt thỏa thuận gây ra những phản ứng trái chiều, Ngoại trưởng các nước Anh, Đức, Nga đều bày tỏ hoan nghênh với thỏa thuận vừa đạt được. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi động thái ký thỏa thuận hạt nhân với Iran là sai lầm lịch sử của thế giới. Arabia Saudi cũng tỏ ra lo ngại về một thỏa thuận có lợi cho Iran.
Trở lại thị trường dầu mỏ
Việc đạt được thỏa thuận là chiến thắng lớn về chính sách đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Hai nhà lãnh đạo đều đối mặt với sự hoài nghi mạnh mẽ từ những người theo đường lối cứng rắn tại nước nhà sau nhiều thập kỷ thù hằn, gọi nhau là “Đại Satan” và một thành viên của “trục ma quỷ”. Tuy nhiên, thỏa thuận trên vẫn phải đối diện với việc xem xét tại Quốc hội Mỹ, hiện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Tổng thống Obama cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử trên là một cơ hội đáng để nắm lấy, đồng thời cảnh báo với Quốc hội Mỹ rằng ông sẽ phủ quyết mọi đạo luật ngăn cản việc thực thi thành công thỏa thuận này.
Thỏa thuận vừa đạt được có thể giúp kinh tế Iran phát triển nhanh chóng, nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu thế giới giảm do nguồn cung từ Iran sắp đưa vào thị trường thế giới. Giám đốc bộ phận quan hệ quốc tế của Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran, Thứ trưởng Dầu mỏ Mohsen Qamsari cho hay, một khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, Tehran sẽ trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế với sản lượng tối đa cũng như xem châu Á là thị trường ưu tiên cho mặt hàng dầu thô.
| |
PHƯƠNG NAM - ĐỖ VĂN