GS-TS Đặng Lương Mô, nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng trên thế giới về vi mạch, hiện là cố vấn khoa học ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng ở Việt Nam tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn đã được nhận thức từ lâu và 30 năm trước đây đã đầu tư để xây dựng nền công nghiệp này nhưng tiếc rằng đến nay vẫn chưa thấy một cơ sở chế biến bán dẫn quy mô công nghiệp nào cả... Tuy nhiên, gần đây Việt Nam đã có chủ trương khá cụ thể để phát triển ngành vi mạch.
Đã được đầu tư cụ thể
Theo GS-TS Đặng Lương Mô, vi mạch là sản phẩm công nghiệp cơ bản, là bộ phận mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp khác có quan hệ trực tiếp đến đời sống xã hội ta từ ô tô, xe máy, điện thoại di động, điện tử gia dụng cho đến các máy đo trong khoa học tự nhiên, y học, công nghiệp… Thiết kế, chế tạo vi mạch là công nghệ cao tổng hợp, nó huy động rất nhiều ngành khoa học do đó xây dựng thành công nền công nghiệp thiết kế, chế tạo vi mạch thường đưa đến kết quả tất yếu là nâng cao toàn bộ nền khoa học công nghệ, phát triển nền công nghiệp và quan trọng hơn hết là gia tăng tổng sản phẩm quốc nội với tốc độ cao.
Với tầm quan trọng của ngành thiết kế vi mạch, UBND TPHCM đã có chủ trương xây dựng nhà máy chip với tổng kinh phí 200 triệu USD do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư. Dự kiến, nhà máy đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM và sản xuất chip có kích cỡ bản mạch 130 nanomet với công suất mỗi năm khoảng 300 triệu chip. Đây là loại chip có nhiều ứng dụng trong các thiết bị điện tử gia dụng; thẻ thanh toán ngân hàng…
Tiếp đó, TPHCM đã đầu tư xây dựng Phòng kiểm định lõi IP (là bản thiết kế vi mạch thực hiện được chức năng cụ thể và là thành phần tạo nên chip điện tử) với tổng kinh phí đầu tư gần 7,2 tỷ đồng nhằm phục vụ cho ngành thiết kế vi mạch TPHCM. Phòng kiểm định lõi IP ra đời sẽ thúc đẩy và nhân rộng ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam, là nơi hỗ trợ đắc lực cho các trường, viện nghiên cứu tại Việt Nam kiểm định các thiết kế vi mạch, giúp hoàn thiện sản phẩm với các tiêu chí chất lượng quốc tế.
Mới đây, UBND TPHCM có quyết định thành lập Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển vi mạch (chip điện tử) trên địa bàn TPHCM với nhiệm vụ xác định phương hướng hoạt động và kế hoạch thực hiện chương trình; chỉ đạo triển khai các nội dung công việc/dự án của chương trình; theo dõi, đôn đốc và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các công việc có liên quan đến chương trình; tham mưu, đề xuất UBNDTP giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình…
Có thể nói những hành động, đầu tư cụ thể nói trên đã khẳng định quyết tâm đưa công nghệ vi mạch trở thành một trong những ngành kinh tế đột phá của TPHCM trong nay mai.
Mong chờ công nghệ hợp với sức lực
Cứ nhìn vào vài nước hoặc vùng lãnh thổ châu Á gần đây đã nắm được công nghệ thiết kế - chế tạo vi mạch như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây nhất là Trung Quốc, chúng ta hẳn thấy đây là sự thật. Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra thành công của Hàn Quốc: Nền công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc khởi đầu bằng hoạt động lắp ráp của các doanh nghiệp nước ngoài từ khoảng thập kỷ 1960, đã tiến bộ đến trình độ tự phát triển, tự chế tạo đại trà được nhiều vi mạch siêu quy mô tiên tiến bằng cách đi từng giai đoạn. Nguồn lao động trình độ cao, thị trường quốc nội sẵn có, sự dấn thân của các nhà kinh doanh với năng lực đầu tư lớn… đã hình thành nên một nền công nghiệp bán dẫn và cải thiện vị trí cạnh tranh của Hàn Quốc trên thị trường bán dẫn thế giới.
Với thực tế của Hàn Quốc, trong tham luận “Sự cần thiết của nhà máy chip điện tử trong quá trình công nghiệp hóa đất nước”, GS-TS Đặng Lương Mô nhận định: Việt Nam có thể chưa có tất cả nhưng đã có những nhân tố quyết định và sự hỗ trợ của nhà nước nên vấn đề đặt ra là chúng ta xây dựng nhà máy chip theo mô hình nào.
GS-TS Đặng Lương Mô cho rằng: “Công nghệ chế biến (nhà máy chip) phải đi mua lúc đầu và như vậy nên bắt đầu từ công nghệ vừa phải rồi từng bước phát triển tới những công nghệ tiên tiến hơn để theo kịp với thế giới. Công tác phát triển công nghệ sẽ là nhiệm vụ của các viện, trường và các cơ sở nghiên cứu. Trong quá trình này, mọi cơ sở nghiên cứu cộng tác chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau để dần dần tự chủ về công nghệ và giảm sức ép về đầu tư cho công nghệ đi mua; đồng thời đào tạo thêm đội ngũ kỹ sư chất lượng cao để cung ứng cho công nghiệp vi mạch, sớm đạt tới giai đoạn tự mình đứng vững được”.
| |
Bá Tân