Thông điệp của thể thao thế giới

Đến thời điểm này, toàn bộ giải thể thao nhà nghề nổi tiếng nhất của Mỹ đều tạm hoãn thi đấu. Tại Anh, tất cả giải bóng đá đều tạm dừng ít nhất 2 tuần; tứ kết Cúp FA và 2 trận giao hữu của đội tuyển Anh trong tháng 3 cũng đã bị hủy.

Trong khi đó, UEFA quyết định hủy toàn bộ giải đấu thuộc quyền quản lý của mình trong 2 tuần kế tiếp. Vào tuần sau, tổ chức này sẽ họp để quyết định có hoãn EURO 2020 hay không. 

Như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ duy nhất sự kiện Olympic được phía nước chủ nhà Nhật Bản tuyên bố vẫn diễn ra vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, quyết tâm của Nhật Bản chỉ mang điều kiện cần, phần còn lại còn tùy vào quyết định của các quốc gia tham dự. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất lùi Olympic sang năm 2021. Trung Quốc và Mỹ là 2 cường quốc thể thao, nếu quá trình chuẩn bị của họ đều chịu tác động nặng nề từ Covid-19, thì có lẽ Nhật Bản phải cân nhắc nếu không muốn Thế vận hội diễn ra trong khung cảnh vắng vẻ, chất lượng bị nghi ngờ.

Chưa bao giờ thể thao thế giới lại đối diện với một hoàn cảnh lịch sử như lúc này, tính từ sau Thế chiến thứ II. Khác với trước đây, thể thao hiện đại đã thay đổi hoàn toàn về bản chất và các quyết định hoãn, dừng, lùi những sự kiện kể trên được đưa ra vô cùng khó khăn. Lịch thi đấu của giới thể thao nhà nghề hoàn toàn không có chỗ trống. Các giải đấu tranh tiền thưởng nối tiếp nhau, mật độ tính từng tuần hoặc nửa tháng một lần. Từng trận đấu, vòng đua đều được quy đổi thành tiền, với các con số cực lớn. Vì thế, dù là hoãn hay tạm dừng thì thiệt hại khó mà đong đếm được.

Ở giải ngoại hạng Anh, tỷ lệ doanh thu bán vé vào sân chiếm từ 7% - 20% tổng doanh thu của các đội bóng, tùy quy mô sân vận động của các CLB. Chỉ cần 2 trận đấu không có khán giả, mỗi đội có thể mất đến 10 triệu bảng hoặc 100 triệu bảng tính cho cả 20 đội bóng mỗi lượt đấu. Với môn quần vợt, một giải ATP hay WTA dành cho tốp 50 tay vợt hàng đầu thường có 5-10 triệu USD tiền thưởng, nghĩa là các nhà tổ chức có thể thu về gấp 3 lần con số đó từ tiền vé, tài trợ. Nhưng hiện nay, người ta đang đề nghị lùi những giải quần vợt đến tận tháng 6, đồng nghĩa với việc thất thu hàng trăm triệu USD. Giải đua F1 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội cũng đã phải hủy bỏ. Trong 22 vòng đua theo kế hoạch của năm 2020, đến nay, ngoài vòng đua tại Hà Nội, 2 vòng đua tại Australia và Trung Quốc đã phải hủy. Nguồn thu của F1 mỗi mùa giải gần 2 tỷ USD, cứ ngưng tổ chức một vòng, xem như mất đi gần 200 triệu USD. 

Mật độ thi đấu dày đặc, gần như không nghỉ, vốn xuất phát từ doanh thu quá lớn của ngành công nghiệp này. Nhưng cũng chính vì thế mà các nhà tổ chức cũng đối mặt với cuộc khủng khoảng trầm trọng đến từ dịch Covid-19. Một cầu thủ bóng rổ trong khu thể thao của CLB Real Madrid bị nhiễm Covid -19, khiến đội bóng đá nổi tiếng của họ bị cách ly. Real Madrid không thể ra sân, La Liga phải dừng và Champions League cũng không thể tiếp tục. Một khi các giải đấu hàng đầu châu Âu như Anh, Pháp, Italy đều phải tạm hoãn, thì việc giải ngoại hạng Anh “một mình” tổ chức thi đấu chắc chắn không phải là điều phù hợp, bởi kể cả khi bóng đá Anh có kết thúc mùa giải đúng kế hoạch thì sự chậm trễ của các giải đấu kia cũng khiến thị trường chuyển nhượng bị “đóng băng”.

Ở một góc độ khác, các quyết định dừng, hủy của hàng chục, hàng trăm giải đấu nhà nghề, chấp nhận hy sinh hàng chục tỷ đô la cũng là một thông điệp có ý nghĩa của thế giới thể thao trong giai đoạn dịch Covid-19 đang lây lan với cấp số nhân. Dù thể thao nhà nghề là một ngành công nghiệp kinh doanh, nhưng sức khỏe của cầu thủ, của các CĐV có mặt trên khán đài, niềm vui khi thi đấu mới thực sự mang giá trị cốt lõi.

Tin cùng chuyên mục