Đêm qua, tại Nhà hát TPHCM, các anh hùng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã có buổi giao lưu ấm áp, xúc động thứ hai trong hành trình của 1.000 anh hùng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu trên dọc dài đất nước về thủ đô dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đất nước Việt Nam ta có một lịch sử oai hùng. Trải qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, thời nào đất nước ta cũng sản sinh ra những anh hùng. Trong hàng ngàn năm qua, đã có biết bao bà mẹ tiễn con lên đường ra trận để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Hàng triệu triệu anh hùng đã ngã xuống khắp nơi trên dải đất linh thiêng Việt Nam; “máu đã thấm vào lòng đất Việt, để ngàn năm còn mãi tự hào” (Linh thiêng Việt Nam - nhạc Lê Quang).
Hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa, nhiều người trong số những anh hùng, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống sau cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước cũng đã “về với Bác Hồ”. Vì vậy, hẳn nhiên không gì hạnh phúc và tự hào hơn đối với những anh hùng, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh còn được chứng kiến thời khắc lịch sử ngàn năm tuổi của thủ đô Thăng Long - Hà Nội hôm nay; đặc biệt đối với 1.000 anh hùng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được chọn tham gia hành trình về dự đại lễ.
Song như ông cha ta thường nói: “Ôn cố tri tân” (nói chuyện cũ để biết chuyện mới). Hành trình trở về nguồn cội của các anh hùng và bà mẹ Việt Nam Anh hùng hôm nay, không đơn thuần là một cuộc trở về. Qua các cuộc giao lưu được truyền hình trực tiếp tại các địa phương (Đồng Tháp, TPHCM, Gia Lai, Đà Nẵng, Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ, Hà Nội) và viếng thăm, tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) đã và đang trở thành những bài học lịch sử sinh động cho các thế hệ hôm nay. Và nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thư gửi Ban tổ chức chương trình: Đây là dịp để tri ân các bậc tiền bối, các thế hệ tổ tiên đã có công dựng nước, giữ nước, đã sáng lập, gìn giữ và phát triển kinh đô Thăng Long xưa - thủ đô Hà Nội ngày nay - đồng thời để giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho quân và dân ta.
Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Các thế hệ Việt Nam hôm nay mong mỏi những giá trị, những bài học lịch sử được trả giá và nuôi dưỡng bằng xương máu của bao thế hệ tổ tiên, cha ông ta sẽ tiếp tục được đúc kết để vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo vào công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam trong bối cảnh ngày nay.
“Hãy tiếp nối truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc để tiếp tục tạo ra những anh hùng và những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước ngày nay” - đó là thông điệp của lịch sử và cũng là mong mỏi của tổ tiên, cha ông ta gửi đến mỗi con người Việt Nam hôm nay.
Phạm Phương Đông