Nhiều người vẫn thắc mắc không biết do đâu nhân viên tiếp thị các công ty bảo hiểm, cò bất động sản và cả những kẻ lừa đảo biết rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ, nghề nghiệp của mình để gọi chào hàng, gạ gẫm. Thực ra, để có thông tin cá nhân của hàng triệu người không khó, vì việc mua thông tin cá nhân chỉ cần chi một khoản tiền nhỏ là có.
Tràn lan website bán thông tin cá nhân
Chị Thu Hương (ngụ tại quận 2, TPHCM) rất bất ngờ khi một người đàn ông tự xưng là Dũng, quản lý nhà sách, gọi điện hỏi thăm rồi đọc vanh vách địa chỉ nhà, số phòng nơi chị ở trọ và cho hay đang cho người đem mật ong tới vì trước đây chị có nhờ họ mua giùm. Chiêu lừa “mua giùm” mật ong giả đã được báo chí nhắc đến nhiều nên chị không dễ bị lừa, nhưng chị vẫn thắc mắc sao kẻ lừa đảo lại biết rõ thông tin cá nhân của mình như vậy, sàng lọc mọi giao dịch từ khi chuyển đến ở tại quận 2, chị Hương khẳng định chỉ có hợp đồng internet là chị đã khai đầy đủ các thông tin cá nhân như vậy.
Mới đây, anh Trần Thế Huy (ngụ tại huyện Nhà Bè) phản ánh với đường dây nóng Báo SGGP rằng anh vừa thành lập công ty đã có người gửi tin nhắn chào mua dữ liệu khách hàng với nội dung: “Chỉ với 1,5 triệu đồng, bạn có thể sở hữu 8 bộ data với hơn 600.000 số điện thoại được cập nhật mới từ năm 2015 đến 2016. Cơ hội để bạn kinh doanh mà không phải mất thời gian tìm kiếm thông tin cá nhân khách hàng”. Vào địa chỉ trang web anh Huy cung cấp, chúng tôi thấy rao bán đa dạng thông tin cá nhân khách hàng, từ danh sách khách giao dịch ngân hàng, chứng khoán, mua xe, mua sắm ở siêu thị, danh sách phụ huynh tại nhiều trường, đến danh sách các giám đốc, tổng giám đốc của các công ty lớn nhỏ tại TPHCM, hay danh sách những cá nhân có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên…
Thông tin cá nhân khách hàng bị đem rao bán công khai trên mạng
Gọi vào số điện thoại liên hệ 090343xxx rao trên trang web này, có người bắt máy và tự giới thiệu tên Thịnh. Thấy chúng tôi nói có nhu cầu mua thông tin cá nhân khách hàng, Thịnh quảng cáo: “Em tìm anh là đúng chỗ đấy, tiền mất ít mà có mấy trăm ngàn thông tin thật, chính xác, để em thoải mái chào hàng. Tụi anh mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để có được danh sách này, chia sẻ với giá hữu nghị cho mọi người xài chung, coi như lấy lộc”. Thấy chúng tôi lưỡng lự, Thịnh tiếp tục thuyết phục: “Em yên tâm, tụi anh có cả số CMND, email cá nhân của những người trong danh sách, nên cam đoan là thông tin khách hàng thật. Em mua thì gửi thẻ cào điện thoại vào số điện thoại này cho anh, anh sẽ chuyển danh sách qua email”. Tìm thêm trên mạng, chỉ một cú click chuột đã cho ra hàng triệu kết quả chào bán thông tin cá nhân. Có trang web rao bán rất đa dạng thông tin cá nhân giá 1 triệu đồng trọn 11 bộ, có hơn 1 triệu số điện thoại, 500.000 email ở TPHCM và 900.000 số điện thoại, 300.000 email ở Hà Nội. Người bán dữ liệu thông tin cá nhân quảng cáo rằng nếu bán lẻ từng bộ có giá 500.000 - 600.000 đồng, có file dùng thử, đồng ý mua sẽ cấp mật khẩu để tải danh sách về và cam kết dữ liệu được lọc hàng tháng, bổ sung thường xuyên, cung cấp miễn phí trọn đời cho người mua.
Cùng với việc rao bán thông tin cá nhân qua mạng, có người còn chép các dữ liệu thông tin cá nhân vào các đĩa CD và bán công khai tại… các xe bán đĩa nhạc lưu động (?!).
Phớt lờ luật pháp
Ngày nay, khi các giao dịch điện tử, thương mại điện tử phát triển, như các giao dịch mua hàng online, chuyển tiền qua mạng, sử dụng mạng xã hội, nhận quà tặng tại các siêu thị, trung tâm thương mại…, nhiều người rất chủ quan khi sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân để giao dịch. Đã có nhiều hệ lụy từ việc lộ thông tin cá nhân, ngoài các cuộc điện thoại, tin nhắn quảng cáo làm phiền, không ít người còn bị kẻ gian lừa tiền như lừa giao hàng, giả danh nhân viên gọi điện báo nợ cước điện thoại…
Để chế tài đối với các hành vi mua bán thông tin cá nhân, khoản 5 Điều 66 Nghị định 174/2014 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 13-11-2013, đã quy định: Phạt tiền 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép thông tin cá nhân của người khác. Điều 266 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu, thông tin đó dẫn đến xâm hại lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại trật tự an toàn xã hội, gây hậu quả nghiêm trong thì bị phạt tiền 10 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Điều 22 Luật Công nghệ thông tin cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự đồng ý của người đó. Với hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân, cá nhân đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều 65 Nghị định 185/2013 của Chính phủ cũng quy định về việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, theo đó, sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được họ đồng ý thì sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.
Luật đã có, nhưng các cơ quan chuyên trách thờ ơ trong việc thực hiện chế tài, do đó, nhiều đối tượng vẫn phớt lờ luật pháp để trục lợi bằng việc mua bán thông tin cá nhân. Cho đến nay, vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào rao bán dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng bị xử lý, còn người dân vẫn đau đầu vì thường xuyên bị làm phiền bởi các tin nhắn, cuộc gọi không mong muốn.
THU HƯỜNG