Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào một số dịch vụ viễn thông có thể bị ảnh hưởng

Các ý kiến đề nghị nên cân nhắc kỹ việc dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như các dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu.

Ngày 23-3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Dự thảo đã mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như: dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, theo pháp luật của các quốc gia trên thế giới và thông lệ quốc tế, các dịch vụ trên đều không phải là dịch vụ viễn thông và nên được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng. Do vậy, các loại hình dịch vụ trên sẽ phải xin cấp giấy phép viễn thông và chịu sự điều chỉnh như những dịch vụ viễn thông truyền thống.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN

Theo ông Vũ Tú Thành, việc mở rộng phạm vi áp dụng có thể tạo nên những rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu – là những dịch vụ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một nền kinh tế số. Sự phát triển của 2 loại hình dịch vụ này rất cần huy động mọi nguồn lực bao gồm cả vốn và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt là từ khu vực đầu tư nước ngoài. Việc quản lý các dịch vụ này như các dịch vụ viễn thông với những hạn chế về vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, quy định về cấp phép như đối với dịch vụ viễn thông, hoặc buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải ký kết hợp đồng thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước là những quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Cùng quan điểm, luật sư điều hành Công ty luật BMVN, ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, việc quản lý các dịch vụ OTT như những dịch vụ viễn thông là bất hợp lý vì các dịch vụ này khác với dịch vụ viễn thông về bản chất. Cụ thể là, các dịch vụ như tin nhắn, hội thoại hay hội họp trên các nền tảng internet (hay còn được gọi là các “dịch vụ OTT”) chỉ có thể được cung cấp trên cơ sở người sử dụng dịch vụ đã kết nối internet, tức là người sử dụng đã sử dụng dịch vụ viễn thông. Các dịch vụ OTT được cung cấp trên các nền tảng kỹ thuật số mở, không thu phí, không có số thuê bao và không sử dụng các tài nguyên viễn thông như tần số hay kho số viễn thông như các dịch vụ viễn thông. Vì vậy, các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng các tiêu chuẩn và quy định điều chỉnh dịch vụ OTT giống như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống.

Ông Trần Mạnh Hùng, luật sư điều hành Công ty luật BMVN

Ông Trần Mạnh Hùng, luật sư điều hành Công ty luật BMVN

Theo luật sư Trần Mạnh Hùng, các quy định trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) như yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới phải có hợp đồng thương mại với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam có thể là những rào cản đối với các dịch vụ OTT hoạt động tại Việt Nam.

Dự thảo dự kiến được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 tới.

Tin cùng chuyên mục