Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải về căn nguyên chậm mua vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Liên quan tới việc chậm mua vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khiến Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu Bộ Y tế kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có cuộc trao đổi với báo chí một số vấn đề xung quanh việc mua, nhận tài trợ và sử dụng loại vaccine này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngay từ tháng 12-2021, Bộ Y tế đã có tờ trình Thủ tướng ban hành nghị quyết của Chính phủ mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình ban hành nghị quyết, Việt Nam đang đàm phán với hãng Pfizer và vaccine của hãng này vẫn trong quá trình nghiên cứu, chưa được cấp phép sử dụng.

Sau khi vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được cấp phép thì tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam có sự gia tăng đột biến về số ca mắc. Tính đến tháng 3-2022, tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nước ta đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái nên vấn đề đặt ra đối với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng là cần phải nghiên cứu thận trọng về việc có tiêm vaccine cho nhóm trẻ đã mắc Covid-19 hay không.

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải về căn nguyên chậm mua vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Cùng với đó, trong quá trình Bộ Y tế và các đơn vị chức năng thương thảo hợp đồng mua vaccine của Pfizer thì nhận được thông tin từ một số tổ chức có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em nhưng chưa khẳng định về thời gian và số lượng, như: Văn phòng Nhà Trắng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ; Và, mới đây nhất, ngày 18-3, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng đề xuất hỗ trợ Việt Nam 9,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Do vậy, Bộ Y tế cùng với việc chủ động liên hệ, trao đổi và làm việc với các tổ chức có ý định hỗ trợ vaccine, bộ tiếp tục thương thảo với Pfizer về hợp đồng mua vaccine (vì hãng dược phẩm này có yêu cầu nếu mua hơn 21 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của họ thì phải đặt cọc trước với số tiền là 1 USD/liều, tương đương với 21 triệu USD).

Cùng với đó, phía hãng dược phẩm này cũng yêu cầu vaccine mua của họ, chúng ta không được phép chuyển nhượng, bán lại, hay trao tặng.

“Đấy là sân chơi của họ. Vì thế đây là những khó khăn, cần phải tính toán thật cẩn thận”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyến nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, đối với vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chỉ có thể tiêm cho đúng đối tượng trẻ trong độ tuổi này, không được tiêm cho những đối tượng khác nên đòi hỏi Bộ Y tế phải tính toán thật kỹ lưỡng để không xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu vaccine như yêu cầu của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, với một số tổ chức có kế hoạch hỗ trợ vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cũng phải cân nhắc và làm rõ các vấn đề liên quan nhằm để cố gắng tiết kiệm được càng nhiều cho ngân sách càng tốt.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, ngay trong tuần này, Bộ Y tế sẽ làm việc lại với phía Australia để “chốt” lại lần cuối số lượng 9,7 triệu liều vaccine mà bạn có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam. Trên cơ đó cuối tháng 3, Bộ Y tế sẽ có báo cáo lên Thủ tướng xung quanh việc mua, chuẩn bị vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Dược, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan để sớm báo cáo Thủ tướng.

Tin cùng chuyên mục