Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần II

Trưa 10-1, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Phnom Penh, thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ II theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái qua) cùng lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ II. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái qua) cùng lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ II. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
 Đưa hợp tác đi vào chiều sâu

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao việc Campuchia đăng cai Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ II, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Campuchia ở khu vực. Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực mà Campuchia đã đạt được trong thời gian gần đây; bày tỏ tin tưởng Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Samdech Techo Hun Sen đứng đầu sẽ tiếp tục đưa đất nước Campuchia phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen khẳng định sự tham dự của đoàn Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực vào thành công của hội nghị lần này mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực. 

Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian gần đây; nhất trí tiếp tục có các biện pháp hiệu quả giúp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đúng về giá trị của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia để có trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này.

Hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng... ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Hai bên nhất trí đẩy mạnh tiến độ phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, phấn đấu hoàn thành công tác này trong thời gian sớm nhất. Hai bên cũng nhất trí phối hợp giải quyết tích cực vấn đề địa vị pháp lý cho người Campuchia gốc Việt tại Campuchia trên cơ sở luật pháp Campuchia và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

Thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng

Chiều 10-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng đoàn Việt Nam và lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ II. Với chủ đề “Dòng sông hòa bình và phát triển bền vững của chúng ta”, Hội nghị đã rà soát tình hình triển khai hợp tác kể từ Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ I (tháng 3-2016) và thảo luận các phương hướng hợp tác thời gian tới. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng và đóng góp của Việt Nam vào hợp tác MLC trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc, mục tiêu quan trọng mà hợp tác cần bảo đảm để có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. 

Về hợp tác 5 năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc chú trọng tăng cường hợp tác bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, đưa hợp tác nguồn nước trở thành một trọng tâm hợp tác giữa 6 nước. Theo Thủ tướng, các ưu tiên trước mắt gồm tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu khí tượng thủy văn; hợp tác ứng phó với hạn hán, lũ lụt; tiến hành các nghiên cứu khoa học chung và nghiên cứu xây dựng Quy chế vận hành liên hồ chứa nước dọc theo dòng chảy Lan Thương - Mekong.

Bên cạnh đó là phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn thiện và kết nối để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, dịch vụ, dòng vốn và đi lại của người dân; hỗ trợ các nước Mekong - Lan Thương tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hóa tại các nước thành viên; phát triển lực lượng doanh nghiệp và đào tạo lao động có chất lượng; thu hút nguồn lực hướng vào phát triển hạ tầng và tạo điều kiện cho các dự án phát huy tiềm năng, thế mạnh, giải quyết việc làm cho người dân; tăng cường hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. 

Các đề xuất và đóng góp của đoàn Việt Nam được các nước thành viên đánh giá cao và thể hiện trong các văn kiện của hội nghị.
Bên lề Hội nghị Cấp cao MLC, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulit. Hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương của hai nước tập trung phối hợp chuẩn bị thật tốt kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào vào đầu năm 2018; theo đó, đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực trong năm 2017 và chuẩn bị các nội dung hợp tác, đề xuất các giải pháp mới đột phá để nâng cao hiệu quả hợp tác trong năm 2018.

Tin cùng chuyên mục