Hơn 10 năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp phát triển nhanh về số lượng, chủng loại, góp phần giải quyết khâu lao động nặng nhọc, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất lao động và giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, cơ giới hóa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa trong thời buổi hội nhập và vẫn còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực. Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở nước ta chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. Chỉ tính riêng tại ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất nước, khâu làm đất đạt 90%; khâu thu hoạch đạt khoảng 80%, các khâu như gieo sạ, cấy, làm cỏ và phun thuốc mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu. So với các quốc gia khác, cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam chỉ mới bằng khoảng 1/3 Thái Lan; 1/4 Hàn Quốc và 1/6 Trung Quốc. Trong đó, máy móc thiết bị chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; máy móc nội địa thiếu và yếu, thậm chí phải nhập máy đã qua sử dụng.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức về tầm quan trọng của cơ giới hóa còn nhiều bất cập; ngành nông nghiệp chưa đề xuất được những định hướng, chủ trương, chính sách mang tính chiến lược để phát triển cơ khí nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch theo hướng căn cơ, toàn diện. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; các giải pháp còn mang tính tình thế, chắp vá... Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực đã hiện đại hóa ngành nông nghiệp khá nhanh và toàn diện.
Mới đây, tại hội thảo về cơ khí nông nghiệp tổ chức tại Cần Thơ, ông Nakwoo Choi, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí nông nghiệp Hàn Quốc, chia sẻ: “Sau hơn 30 năm (1970 - 2012) thực hiện chương trình cơ giới hóa nông nghiệp tại Hàn Quốc, dù diện tích đất sản xuất giảm đi 18%, lao động nông nghiệp giảm 80%, nhưng sản lượng nông nghiệp lại tăng thêm 2%. Nông nghiệp Hàn Quốc thay thế sức kéo gia súc bằng máy móc hiện đại trong khâu làm đất; máy cấy thay dần thợ cấy thủ công, máy bay phun thuốc đã thay thế hẳn hình ảnh nông dân đeo bình xịt thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng và 100% nông sản của Hàn Quốc được làm khô bằng máy sấy…”.
Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất bình quân cả nước đạt trên 90%, riêng ở đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL đạt 100%; khâu gieo cấy 70%; chăm sóc 70% - 80%; thu hoạch lúa bằng máy đạt 70%, riêng ĐBSCL 90%. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại máy sấy, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, đảm bảo từ năm 2015 trở đi năng lực sấy lúa cả nước đạt trên 12 triệu tấn/năm; chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản lúa, bắp quy mô thích hợp. Cơ giới hóa các khâu đạt 80%, với 20% được tự động hóa, nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản. Do vậy, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nhất là cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch là vấn đề cấp thiết. Theo tính toán của các chuyên gia Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chỉ riêng đối với lúa, nếu cơ giới hóa đồng bộ 1ha lúa/vụ sẽ giảm chi phí 2,3 - 2,5 triệu đồng. Năm 2012, với 4,18 triệu ha lúa được cơ giới hóa, chi phí đầu tư giảm gần 10.000 tỷ đồng.
Để cơ giới hóa trở thành “bệ phóng”, ngành nông nghiệp cần có chiến lược đột phá để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa sản xuất lúa, nhất là tại vùng sản xuất trọng điểm ĐBSCL. Trước mắt, khuyến khích đầu tư vào các dự án chế tạo máy nông nghiệp để nâng cấp công nghệ chế tạo; đầu tư phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thích đáng và có hiệu quả cho cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông dân, ưu tiên cho đầu tư cải tạo đồng ruộng, phát triển kết cấu hạ tầng và công nghệ sau thu hoạch để sản xuất nông nghiệp ngày một hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
HUY PHONG