Thúc đẩy phát triển hướng đến dân giàu, nước mạnh

Dường như mỗi quốc gia dân tộc chỉ một lần trong lịch sử có tuyên ngôn (tuyên bố chính thức) về nền tự do độc lập - hiểu theo nghĩa rũ bỏ mối liên hệ chính trị ràng buộc với một quốc gia dân tộc khác, khi đã giành được địa vị riêng biệt, bình đẳng trong thế giới.

Độc lập là sự không phụ thuộc, là thoát khỏi chế độ thuộc địa, là tự do, tự quyết định vận mệnh dân tộc của mình; tự do độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một đất nước, là quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ.

Tự do độc lập là quyền từ tạo hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trích lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Người “suy rộng ra” để thấy: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Người còn trích câu nói nổi tiếng trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”, để nhấn mạnh: bất kể dân tộc nào cũng “phải được tự do!”, “phải được độc lập!”.

Việt Nam bị mất độc lập từ giữa thế kỷ XIX - Chủ nghĩa thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Vì vậy, đòi lại tự do độc lập là tất yếu, đương nhiên, nhu cầu khách quan, phù hợp với “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Đường đến độc lập của Việt Nam là suốt hơn 80 năm, cả dân tộc đã “gan góc chống ách nô lệ của Pháp”, “gan góc đứng về phe Đồng minh chống Phát xít”. Đó là quá trình lâu dài của toàn dân (nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng) đã “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”...

Ngày 2-9-1945, lần đầu tiên Việt Nam có bản tuyên ngôn chính thức bằng tiếng Việt, hoàn chỉnh, ngắn gọn, đầy đủ về quyền dân tộc thống nhất với quyền con người, trong đó cơ bản nhất là “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Với hơn 1.000 từ, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam khẳng định “sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” và nêu rõ quyền lợi - trách nhiệm: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam theo thông lệ chung (do đại diện Chính phủ lâm thời khởi thảo, góp ý và 15 người ký tên trước khi công bố), nhưng khác biệt khi công bố không chỉ trong khuôn khổ cơ quan lập pháp (như các nước) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trong buổi ra mắt Chính phủ lâm thời, trước hàng chục vạn quốc dân đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, qua làn sóng phát thanh tới quốc dân đồng bào cả nước và các nước trên thế giới; đồng thời tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Điều đặc biệt nữa khi công bố Tuyên ngôn Độc lập là nhiều tỉnh thành cả nước cùng làm Lễ mừng Độc lập. Vì thế ở Sài Gòn (như Lịch sử Nam bộ kháng chiến chép): “Do đài phát (ở Hà Nội) và máy thu (ở Sài Gòn) đều quá cũ kỹ, nên việc tiếp sóng không thực hiện được.

Thay vào đó, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu phát biểu với nhân dân Nam bộ: “Việt Nam, từ một nước thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập… Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu”, “Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (...). Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ”.

Cuộc mít tinh mừng độc lập ở Sài Gòn nhanh chóng chuyển sang tuần hành với rừng cờ và biểu ngữ “Độc lập hay là chết” bằng cả các thứ chữ Anh, Pháp, Nga, Hoa…

Từ đó, “Độc lập hay là chết” trở thành thực tế và hành động của “quyền hưởng tự do và độc lập” ở Việt Nam. Từ đó, suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ Việt Nam thực hiện “quyền hưởng tự do và độc lập” theo tinh thần “Độc lập hay là chết!”.

Và từ năm 1975 đến nay, Việt Nam phát triển “quyền hưởng tự do và độc lập” ấy để tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi cơ chế, tìm đường đổi mới, xây dựng, phát triển và hội nhập, hướng đến dân giàu, nước mạnh, hạnh phúc, phồn vinh.

Tin cùng chuyên mục