
“Người thân của tôi, ông Tyrone wai wah Lee (quốc tịch Australia), sang VN làm kinh tế. Năm 2003, ông lâm bệnh nặng và gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự nhiệt tình quan tâm và giúp đỡ của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA18) Công an TPHCM (CATP), tất cả thủ tục giấy tờ cho ông Lee được hoàn tất nhanh chóng. Đặc biệt, PA18 còn vận động kinh phí hỗ trợ giúp ông Lee được đưa về nước trị bệnh kịp thời. Tôi rất cảm ơn CB-CS của PA18” - đó là lời cảm ơn của chị Huỳnh Thị Nguyệt (P8 Q.Gò Vấp).
Quản lý xuất nhập cảnh là một trong 3 lĩnh vực (xuất nhập cảnh, quản lý hành chính, giao thông) của CATP thực hiện cải cách hành chính (CCHC) đạt hiệu quả.
Phục vụ tận nhà
13 giờ 30 ngày chủ nhật 5-4, đại úy Võ Văn Hạo, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an Q.Tân Bình) gọi điện thoại cho gia đình cụ Phạm Văn Doanh (77 tuổi, ngụ tại P14 Q.Tân Bình) thông báo gia đình chuẩn bị sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) cũ để 15 phút nữa, CB-CS của đội tới nhà làm CMND mới cho cụ Doanh.
Cụ Doanh bị tai biến mạch máu não từ 4 năm nay, không nói và đi lại được nên không thể đến công an quận làm CMND mới.
Khi biết công an quận có chủ trương đến tận nhà ngoài giờ hành chính để cấp CMND cho công dân có hoàn cảnh đặc biệt (người già không đi lại được, công dân từ 14 tuổi trở lên bị bệnh, tật không có khả năng đi lại…), gia đình cụ đã liên hệ làm CMND mới để mua bảo hiểm y tế cho cụ.

Đại úy Võ Văn Hạo lăn tay cho cụ Hà Thị Liến (84 tuổi, bị liệt) tại gia đình vào chiều 5-4.
Đúng hẹn, đại úy Võ Văn Hạo cùng một cán bộ khác của đội tới nhà cụ Doanh. Hai người hướng dẫn con dâu cụ ghi hộ tờ khai làm CMND, rồi đến bên giường lăn tay cho cụ Doanh.
Trong vòng 10 phút, mọi thủ tục hoàn tất, đại úy Võ Văn Hạo thu lệ phí theo quy định là 6.000 đồng và trao cho gia đình tờ giấy hẹn tuần sau lên công an quận lấy CMND mới.
Sau đó, anh gọi điện thoại tới từng nhà các cụ Hà Thị Liến (84 tuổi, ngụ 432 Trường Chinh P13), Đỗ Thị Nhiên (95 tuổi) và Hồ Hỷ (89 tuổi, cùng ngụ 876/35/44/14 Cách Mạng Tháng Tám P5) để các cụ chuẩn bị giấy tờ cần thiết.
Đại úy Võ Văn Hạo hồ hởi nói: “Trong 2 năm qua, đã có 190 trường hợp đặc biệt được cấp CMND tận nhà. Người dân có nhu cầu cứ gọi số 38443675 (Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Q.Tân Bình), chúng tôi sẽ nắm thông tin và lên lịch, rồi thông báo lại cho gia đình thời gian đến tận nhà làm CMND. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân, còn với CB-CS thì đây là việc làm thiết thực để phục vụ nhân dân.
Được biết, trong thời gian qua, nhiều CB-CS công an đến trường học làm CMND cho học sinh. Các quận 9, 10, 11, 12,Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… cử cán bộ đến vùng xa, vùng sâu và các gia đình có người già yếu, bệnh tật để làm thủ tục cấp CMND.
Trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, CATP đã ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến giải quyết, trả kết quả nên đã loại bỏ một số giấy tờ, thủ tục không phù hợp; tập trung nghiên cứu đơn giản hóa, cải tiến biểu mẫu, tờ khai cấp CMND; phổ biến công khai các biểu mẫu, tờ khai cấp CMND trên trang web của UBND TPHCM để người dân khai thác, tiết kiệm thời gian.
Việc ứng dụng tin học đã rút ngắn thời gian cấp CMND 1 - 8 ngày so với quy định; thời gian làm hộ khẩu 3 - 5 ngày, giải quyết nhập khẩu 10 - 13 ngày (giảm 2 - 5 ngày); làm con dấu từ 15 ngày xuống còn 2 ngày (trường hợp cần thì làm gấp trong 1 ngày).
Giảm thủ tục, lợi thời gian cho người dân
CATP đã triển khai thực hiện thí điểm chương trình xử lý vi phạm hành chính trên máy vi tính cho các đội thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (PC26). Công tác đăng ký xe gắn máy được chuyển giao cho công an quận, huyện đồng thời áp dụng công nghệ thông tin nên đã rút ngắn được 4 ngày so với thời gian quy định và người dân tiết kiệm được thời gian đi lại.
Tất cả hồ sơ đăng ký xe trong ngày được tiếp nhận và trả giấy đăng ký đúng hạn quy định; bỏ thủ tục xác nhận mua, bán xe gắn máy trong đăng ký xe; trả một phần hồ sơ xe cho người dân tự quản lý…
Trong công tác giữ gìn trật tự giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC25) đã rút ngắn 4-5 ngày thời gian xử phạt hành chính và tổ chức thu tiền phạt tại chỗ theo thủ tục đơn giản đối với những người vi phạm ở vùng xa, đi lại khó khăn; kết hợp công tác tuyên truyền luật giao thông đường thủy nội địa để đăng kiểm, đăng ký phương tiện cho người dân (đã đăng ký hơn 400 trường hợp).
Trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, Phòng PA18 đã tạo môi trường làm việc khoa học, thông thoáng, công khai minh bạch… giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ hành chính, đem lại sự thoải mái, tiện lợi và hiệu quả cao.
Thượng tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng PA18 tâm sự: “CCHC chính là thước đo ý thức phục vụ nhân dân. Thời gian qua PA18 đẩy mạnh CCHC bằng các chương trình công nghệ thông tin như: lập trang web thông tin xuất nhập cảnh để tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh, hướng dẫn thủ tục, cho phép người dân lấy mẫu tờ khai, tra cứu kết quả nộp hồ sơ tại PA18, đăng ký tạm trú cho công dân Việt Nam và người nước ngoài qua mạng… Đến nay có hơn 300.000 lượt người sử dụng trang web xuất nhập cảnh, hơn 14.000 lượt người sử dụng dịch vụ tin nhắn”.
Đồng thời, PA18 chuẩn hóa nội dung phỏng vấn với từng loại hồ sơ xuất nhập cảnh đã tránh được những câu hỏi thừa gây phiền hà, hiểu nhầm cho nhân dân. Hàng ngày, PA18 tiếp khoảng 2.500 lượt người đến làm các thủ tục, 100% hồ sơ cấp đổi thị thực, tạm trú cho người nước ngoài và 99% hồ sơ cấp đổi hộ chiếu cho công dân Việt Nam đều được trả đúng hẹn.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Anh, CCHC đã có tác dụng tích cực đến xây dựng môi trường văn hóa công sở; văn minh công sở đã thay đổi rõ rệt, tính minh bạch cao hơn. Đồng thời, CCHC góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của CB-CS phù hợp với các quy trình mới chính quy và hiện đại
ĐƯỜNG LOAN