Thực hiện thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến

Chiều 13-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 3 nội dung: sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. 

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 1.700 đại biểu tại các điểm cầu truyền hình trên toàn quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thông tin tại hội nghị cho biết, chỉ sau 3 tháng đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương. Đã có gần 79.000 tài khoản đăng ký; hơn 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Hiện nay, cổng đã thực hiện tích hợp để nộp phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tại An Giang; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, TPHCM; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Thuận); thực hiện nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài trực tuyến trên toàn quốc. Còn Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ dù trong giai đoạn thử nghiệm đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến kinh tế - xã hội hàng ngày, hàng tháng, quý và năm.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những công việc nói trên đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng chống tham nhũng nhờ hạn chế tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa cán bộ công chức và người làm thủ tục. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, việc không tiếp xúc với tiền mặt, giấy tờ, không gặp mặt trực tiếp góp phần phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng nêu quan điểm, cái gì có lợi cho người dân thì cần thực hiện, có lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí thì phải quan tâm.

Thủ tướng biểu dương một số bộ, ngành và địa phương, trong đó có TPHCM đã có nhiều nỗ lực để có được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra một số vấn đề, trong đó có việc bảo đảm tính bảo mật đời tư khi người dân đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia; cần bảo đảm thực sự cải tiến, đổi mới để chất lượng tốt hơn, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng đối với các dịch vụ công đã tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Với các dịch vụ mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố như nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kê khai và thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; kê khai và thu thuế doanh nghiệp..., Thủ tướng yêu cầu các bộ: Công an, Tài chính, GTVT tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện và triển khai toàn quốc trước ngày 30-6. Các bộ, ngành chưa hoàn thành kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia khẩn trương triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm hoàn thành kết nối ngay trong tháng 3. Cùng với đó, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, tiền phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, tích hợp, cung cấp dịch vụ nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT-TT trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ để sớm hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính.

Việc triển khai nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia được thí điểm từ ngày 13-3, giúp người dân và các cơ quan quản lý nhà nước rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục liên quan khác. Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết, 2 dịch vụ công được áp dụng thời gian này gồm xử phạt vi phạm hành chính và nộp lệ phí trước bạ.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, việc sử dụng cổng thông tin quốc gia dùng chung giữa các ngành, như trao đổi thông tin quản lý giấy phép lái xe đối với các trường hợp tạm giữ giấy phép lái xe; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe… sẽ phục vụ tốt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông, cũng như các trường hợp lợi dụng các tuyến giao thông để vận chuyển hàng cấm, hàng gian lận thương mại, các trường hợp gây tai nạn giao thông bỏ chạy… Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết, người dân bị lập biên bản xử phạt ngay sau chưa lên cổng dịch vụ công nộp ngay, bởi còn chờ cơ quan có thẩm quyền hoàn thành thủ tục xử phạt, lúc đó mới thực hiện được trên cổng dịch vụ công.

ĐỖ TRUNG

Tin cùng chuyên mục