Thực phẩm bẩn - cơn đau kéo dài

Thông tin về 3 doanh nghiệp ở tỉnh An Giang, Vĩnh Long sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia là soda, hóa chất sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh công nghiệp, vừa được Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố, một lần nữa  làm cho dư luận lo lắng và phẫn nộ. Nước mắm, loại thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt mà vẫn bị những người sản xuất thiếu lương tâm “hành xử” như vậy. Họ chẳng màng tới sức khỏe của người tiêu dùng và cũng chẳng trân trọng, quan tâm giữ gìn một trong những biểu tượng của ẩm thực Việt.

Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh những nguy cơ của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe người Việt được cảnh báo mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chưa nói đến các vụ ngộ độc mà chỉ nói riêng về bệnh ung thư, số lượng người mắc mới tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự báo sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020.

Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc tốp 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người. Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây bệnh ung thư, có nhiều nhưng tác nhân chính là thực phẩm bẩn.

Từ bao giờ, sự vô lương tâm trong sản xuất, chế biến thực phẩm lại xuất hiện nhiều như vậy? Có ý kiến cho rằng, lý do chính, việc phát hiện và xử phạt của ngành chức năng chưa kịp thời và chưa đủ mức răn đe nên chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng này. Ý kiến này không phải không có lý dù rằng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các bộ ngành chức năng quan tâm hơn trước rất nhiều. TPHCM còn đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm thay cho Ban An toàn thực phẩm để hoạt động hiệu quả hơn bởi hiện nay một số cơ chế hoạt động của Ban An toàn thực phẩm chưa được pháp luật quy định rõ.  Thế nhưng, cũng phải nói sẽ không có pháp luật nào và bộ máy thực thi nào có thể kiểm soát được tất cả, nhất là trong bối cảnh hầu hết cơ sở sản xuất, chế biến, nuôi trồng nông thủy sản của Việt Nam đều nhỏ, lẻ. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc phát hiện và xử lý kịp thời của ngành chức năng, rất cần người nuôi trồng, sản xuất, chế biến có tâm trong công việc của mình. Một nồi nước phở, nếu cho một chút bột ngọt sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng đổ cả gói bột ngọt vào để thay cho chất ngọt của xương hầm, thì tác hại đối với người dùng là rất lớn. Nhẹ là nhức đầu, mỏi gáy, nặng là ngộ độc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường có rất nhiều loại hóa chất có thể “hóa phép” thực phẩm ôi thối trở thành thơm, ngon. Những gói hóa chất này nhiều khi chỉ nhỏ xíu như vài tuýp thuốc, giấu ở đâu cũng dễ. Và ngày càng có nhiều loại hóa chất công nghiệp có thể biến hình thành hóa chất thực phẩm bởi giá của hóa chất công nghiệp rẻ hơn rất nhiều so với hóa chất thực phẩm, đủ để kích thích lòng tham của bọn sản xuất bất lương.

Hãy thử hình dung, người trồng rau trồng riêng cho gia đình một luống rau sạch, còn luống rau phun thuốc thì bán. Thế nhưng, khi phun thuốc vào luống rau đó, người bị nhiễm thuốc đầu tiên chính là người phun thuốc. Rồi trong bữa ăn, đâu chỉ có rau, người trồng rau sẽ phải mua thịt, cá. Người nuôi heo, gà, cá cũng sẽ làm 2 chuồng nuôi riêng cho nhà và để bán. Như vậy, sẽ chẳng có ai “thoát” được thực phẩm bẩn nếu như ai cũng chỉ biết mình, cũng gian lận. Chưa kể, là tấm gương gian lận cho con cái cũng giống như nuôi trong nhà những mầm mống bất lương. Do đó, vì giống nòi Việt trong chính mỗi gia đình và của đất nước, hãy thay đổi.

Tin cùng chuyên mục