Thực phẩm chay: Liệu có an toàn?

Trong thời tràn lan thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh, nhiều người chọn việc ăn chay như giải pháp an toàn cho sức khỏe, chống các bệnh do thừa cân, thừa đạm. Do đó, thị trường thức ăn chay sôi động hẳn lên, mở ra cơ hội làm ăn cho các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm chay. Tuy nhiên, một vấn đề đang được nhiều bạn đọc quan tâm: Thực phẩm chay có được kiểm soát chất lượng và thực sự an toàn?
Thực phẩm chay: Liệu có an toàn?

Trong thời tràn lan thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh, nhiều người chọn việc ăn chay như giải pháp an toàn cho sức khỏe, chống các bệnh do thừa cân, thừa đạm. Do đó, thị trường thức ăn chay sôi động hẳn lên, mở ra cơ hội làm ăn cho các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm chay. Tuy nhiên, một vấn đề đang được nhiều bạn đọc quan tâm: Thực phẩm chay có được kiểm soát chất lượng và thực sự an toàn?

Một sạp tại chợ Phú Lâm bán thực phẩm chay không nhãn mác.

Một sạp tại chợ Phú Lâm bán thực phẩm chay không nhãn mác.

Không rõ nguồn gốc

Những năm gần đây, thực phẩm chay cung ứng trên thị trường ngày càng đa dạng và bắt mắt. Có nhiều món ăn chay làm từ nấm, mì căn, tàu hủ ki… chế biến thành đùi gà, thịt heo, thịt bò, cá thu…, thậm chí còn có cả đồ hộp chay như canh chua, lẩu thái hải sản, canh khổ qua nhồi thịt… Với nghệ thuật chế biến thực phẩm, sử dụng các nguyên liệu và hương liệu phong phú, đã cho ra các món chay có mùi vị và cả hình thức giống y món mặn. Những món chay kiểu này được những người ăn chay “không chuyên” rất ưa chuộng vì ngon, đỡ ngán, có thể ăn cả tháng.

Thực tế hầu hết các thực phẩm chay cung ứng ở các chợ đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan. Dạo các chợ Bình Tây, An Đông, Phú Lâm… Có thể thấy trên các sạp bày bán nhiều thực phẩm chay không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và nguồn gốc sản xuất. Các sản phẩm dùng để chế biến thực phẩm chay như tàu hủ ki, mì căn, nấm… chỉ được đóng thành bao dựng trước sạp bán, không có bao bì nơi sản xuất. Một chủ sạp đồ khô cho biết, hầu hết các loại nấm, mì căn, tàu hủ ki đều xuất xứ từ Trung Quốc, còn hương liệu và gia vị xuất xứ từ Đài Loan. Hiện giờ, ở nước ta chỉ mới trồng được một số loại nấm như nấm hương, nấm đông cô, còn nấm đùi gà, nấm kim châm… không trồng được nên phải nhập từ nước khác về.

Chế biến thực phẩm chay còn phức tạp hơn chế biến món mặn, phải kết hợp với hương liệu và các loại nấm, tàu hủ ki, có khi phải dùng đến hóa chất nhưng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm như thế nào rất khó nhận biết. Thông tin trên sản phẩm chỉ do các cơ sở chế biến tự ghi lên nhãn mác, chứ không có cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm nào chứng nhận. Nhiều sản phẩm cũng không ghi nơi sản xuất.

Thả lỏng chất lượng

Trên các chai nước chấm, chao, hạt nêm bán tại các chợ Bình Tây, An Đông… không thấy tem an toàn thực phẩm và cũng không thấy ghi đơn vị sản xuất. Nhiều người mua nước mắm chay về không được bao lâu thì muối đã lắng xuống thành lớp nằm dưới đáy chai do được chế biến không có độ đạm, chỉ toàn là nước, muối và hương liệu. Các sản phẩm dưa món, kim chi, cà pháo… được bày bán tại các chợ cũng thường là của các cơ sở chế biến không được quản lý về chất lượng. Tại một số sạp ở chợ An Đông bày những thùng nhựa 50 lít đựng các dưa món, ngó sen, kim chi… chỉ có miếng giấy dán phía trước ghi tên mặt hàng, không có nhãn mác, hạn sử dụng.

Bà Trần Thị Thừa, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm chay dinh dưỡng Amla, tư vấn: “Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh những thực phẩm chay chế biến sẵn độc hại, người tiêu dùng nên lựa chọn hàng có nhãn mác, ghi rõ nguồn gốc, hạn sử dụng, đặc biệt có tem an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên dùng loại chiên sẵn vì dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần có hại cho sức khỏe”. Thiết nghĩ tốt nhất khi ăn chay nên tự mình chế biến, cẩn trọng chọn mua nguyên liệu. Nên cảnh giác với các loại thực phẩm chế biến có phẩm màu hoặc chất bảo quản độc hại, không rõ xuất xứ. Cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng nên quan tâm kiểm tra để thực phẩm chay cung ứng trên thị trường thực sự an toàn cho người tiêu dùng.

Nhất Hải

Tin cùng chuyên mục