Thực tâm lắng nghe, chủ động đấu tranh

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, có tác động lớn đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cũng như nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng và đảng viên. Đồng thời, công tác giáo dục chính trị tư tưởng còn giữ nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường cho việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là đối với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.

Sau 30 năm đổi mới, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã góp phần bảo đảm cho sự thống nhất trong Đảng về chính trị, tư tưởng, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, từ đó tạo nên những thắng lợi và thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa thế và lực của nước ta ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, không khó để nhận thấy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập cả về nội dung, hình thức, trong đó có cả việc ngăn chặn chưa hiệu quả các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Mà chính từ sự xuống cấp về tư tưởng, nhân cách, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến hình ảnh của Đảng, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng và hệ thống chính quyền. Đáng chú ý, sự “xói mòn niềm tin” ấy còn đến từ chính không ít cán bộ, đảng viên, thể hiện qua con số biết nói trong một điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây: Trong 11 chủ đề mà cán bộ, đảng viên thường nói trái với quan điểm của Đảng thì chủ đề “Khả năng phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước” đứng vị trí thứ nhất, chiếm tỷ lệ 70% và chủ đề “Vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước” đứng vị trí thứ 3, chiếm tỷ lệ 37%...

Trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định, hơn lúc nào hết việc phát huy vai trò chủ động của từng chi bộ, từng cấp ủy trong tự nhận diện, tự phát hiện và đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong cán bộ, đảng viên giữ vai trò quan trọng nhất. Đồng thời trong sinh hoạt hàng ngày, từng chi bộ, đảng bộ cần thực tâm lắng nghe, nhanh chóng phản hồi, kiên trì đấu tranh và chân thành giúp đỡ đối với từng cán bộ, đảng viên để từ đó góp phần củng cố, xây dựng niềm tin ngày càng vững chắc hơn.

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục