Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tăng khả năng bảo vệ người dân đối với những hiểm họa từ lòng đất

- Phóng viên:
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tăng khả năng bảo vệ người dân đối với những hiểm họa từ lòng đất

Công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nhất là công tác rà phá bom mìn làm sạch các “điểm nóng” về ô nhiễm bom mìn ở các tỉnh, thành trên cả nước còn gặp khá nhiều khó khăn. Đây là chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bên lề lễ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 giữa cơ quan thường trực Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) và Trung ương Đoàn TNCS HCM diễn ra tại Hà Nội.

- Phóng viên: Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ, Quân đội đã dành một nguồn lực không nhỏ trong nỗ lực làm sạch các điểm nóng còn “ô nhiễm” bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, Thượng tướng có thể nhận định những hoạt động thành công ở những điểm chính nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tăng khả năng bảo vệ người dân đối với những hiểm họa từ lòng đất ảnh 1

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

- Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH: Việc khắc phục hậu quả bom mìn được thực hiện ngay sau khi chiến tranh kết thúc và đạt được nhiều thành quả. Từ năm 2011 đến nay, cơ quan thường trực đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn, làm sạch đất đai, giúp các nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và giúp các địa phương có quỹ đất sạch để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nói về khắc phục hậu quả bom mìn, người ta thường chỉ nghĩ tới việc làm sạch đất đai, nhưng như vậy chưa đủ. Điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh niên, những người trong lứa tuổi lao động, tăng khả năng bảo vệ của người dân đối với những hiểm họa đến từ bom mìn trong lòng đất.

Việt Nam là một trong những nước ô nhiễm bom mìn nặng nề. Nhưng với sự hỗ trợ cao độ từ Chính phủ và một phần từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; các đơn vị quân đội nói chung, bộ đội công binh và một số doanh nghiệp quân đội có giấy phép rà soát bom mìn, công tác rà phá bom mìn đã được triển khai có chất lượng, đảm bảo an toàn, để trả lại màu xanh của sự sống trên những vùng đất chết.

- Công tác khắc phục hậu quả, phòng tránh tai nạn bom mìn luôn có sự tham gia, hỗ trợ của nhiều tổ chức chính trị, xã hội. Việc ký kết văn bản phối hợp với Trung ương Đoàn về giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho cộng đồng tại các điểm nóng có ý nghĩa như thế nào trong “cuộc chiến” này?

Chương trình phối hợp này sẽ giúp nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân nói chung và lực lượng đoàn viên thanh niên nói riêng, nhằm nhanh chóng giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn các vụ tai nạn do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Thông qua các hoạt động tuyên truyền sẽ giúp nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về thực trạng, hậu quả và nhu cầu của công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Qua đó vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và bạn bè quốc tế quan tâm hỗ trợ, tài trợ cả về nguồn vốn, kinh nghiệm và trang thiết bị cho thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình 504, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động ô nhiễm của bom mìn vật nổ bởi chiến tranh.

- Việc xây dựng bản đồ ô nhiễm bom mìn hiện nay đã được tiến hành đến giai đoạn nào rồi, thưa Thượng tướng?

Bản đồ ô nhiễm bom mìn có ý nghĩa rất lớn, giúp phòng tránh tai nạn, sẽ tìm cách giải phóng quỹ đất sạch ở các địa phương. Đến thời điểm này, Bộ tư lệnh Công binh cùng với sự phối hợp của các tổ chức khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế đã cơ bản hoàn thành bản đồ ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, bản đồ này cần thẩm định qua các cơ quan chức năng trên thực tế. Hy vọng đầu năm 2016 sẽ công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn.

Một số tổ chức nước ngoài như Koica của Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn giúp Việt Nam xây dựng trung tâm dữ liệu về ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện bản đồ ô nhiễm bom mìn không phải làm một lần là xong mà nó phải thường xuyên được cập nhật. Việc cập nhật này sẽ trông cậy vào người dân và lực lượng nòng cốt là thanh niên sẽ phát hiện, đưa thông tin để chúng ta có thể bổ sung đầy đủ hơn.

- Được xác định là đạt khá nhiều kết quả tích cực, Thượng tướng có thể nhận định thời gian có thể hoàn tất công việc này?

Ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam rất nặng nề. Theo số liệu điều tra, hiện nay tất cả 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh, với tổng số 9.092/11.134 xã (phường, thị trấn) bị ô nhiễm bom mìn (chiếm 81,6% tổng số xã); diện tích ô nhiễm là gần 68.520km2, chiếm 20,8% diện tích cả nước (chỉ tính riêng diện tích ô nhiễm trên đất liền). Khối lượng khổng lồ như vậy, phải mất khoảng thời gian nhiều thập kỷ nữa, cùng với chi phí lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mới có thể khắc phục cơ bản sự ô nhiễm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Dự tính sẽ mất khoảng 60 năm nữa thì cơ bản khắc phục được hậu quả bom mìn.

- Xin cảm ơn Thượng tướng!

Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn

(SGGP).- Cơ quan thường trực Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504) và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vừa tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020 và công bố nội dung triển khai thí điểm đợt tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn tại Bình Định.

Theo chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 bên, vào dịp Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4-4 hàng năm), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ chỉ đạo các quân khu và bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, phối hợp với các tỉnh đoàn, thành đoàn tổ chức chương trình “Tháng 4 thế giới”, nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng tránh tai nạn bom mìn. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Chương trình 504 tăng cường các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng chống tai nạn bom mìn; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ các nước hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục