Tích trữ, chế biến thực phẩm khoa học trong mùa dịch

Tích trữ nhiều thực phẩm để sử dụng trong những ngày giãn cách là cách làm không ít gia đình duy trì. Thế nhưng, việc làm tưởng như bình thường này lại tiềm ẩn nguy hại khôn lường đối với sức khỏe vì rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm. 
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Lotte mart, quận 7 (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Lotte mart, quận 7 (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chú ý nhóm đồ hộp có lợi cho sức khỏe

Theo TS-BS Trần Quốc Cường, Bộ môn Dinh dưỡng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thực phẩm đóng hộp chứa nhiều chất phụ gia có tác dụng bảo quản chống vi sinh xâm nhập, tạo màu, tạo ngọt, tăng hương vị thực phẩm. Những nhóm chất được phép đưa vào thực phẩm với một lượng thấp, do đó khá an toàn. Tuy nhiên, sử dụng nhiều chất phụ gia cùng lúc hoặc kéo dài cũng gây ra một số hậu quả không mong muốn. 

Tác hại tức thì có thể gặp liên quan đến dị ứng hoặc tăng nhạy cảm với chất phụ gia thực phẩm. Triệu chứng có thể ở đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy; ở đường hô hấp gây suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang; ở da gây mề đay, ngứa, ban; ở hệ thần kinh gây mất ngủ, kích thích thần kinh và tăng động. Tác hại làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, phụ gia thực phẩm không phải là tác nhân duy nhất gây ra các bệnh này mà tùy thuộc vào chế độ ăn, vận động và nhiều yếu tố lối sống khác của người tiêu dùng.

Thực phẩm tươi sống và những thực phẩm chế biến ăn liền vẫn có thể nhiễm các hóa chất như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, dư lượng kháng sinh, kim loại nặng, hàn the, phoóc môn… nếu được canh tác, sản xuất, bảo quản, vận chuyển không đúng. Những chất này nguy hiểm hơn phụ gia thực phẩm vì chúng là những chất cấm dùng cho thực phẩm. Hiện nay, chưa có khuyến cáo nào cụ thể về việc dùng bao nhiêu chất phụ gia là an toàn. Nói chung, người tiêu dùng cố gắng giảm thiểu thực phẩm chứa chất phụ gia để tránh các tác hại không mong muốn. 

Tuy nhiên, không thể đánh đồng thực phẩm đóng hộp nào cũng không tốt. Ngoài việc hạn chế ít có lợi cho sức khỏe như nhiều muối, đường, chất béo, cồn…, đồ hộp chứa những chất dinh dưỡng như đậu hạt, cá, trái cây đóng hộp nên sử dụng thường xuyên hơn. Ngoài ra sữa bột, sữa tươi các loại, phô mai cũng liệt vào nhóm đồ hộp nhưng chúng hoàn toàn có lợi cho sức khỏe nên người tiêu dùng có thể an tâm.

Chế biến bảo đảm dinh dưỡng

Cả thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn lẫn thực phẩm tươi sống đều cần lưu ý khi chế biến đặc thù để đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Thực phẩm đóng hộp đã bị giảm một phần chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến. Nhóm thịt ít bị mất chất nhất vì protein ít bị bay hơi, tan ra hay mất đi; nhóm thực vật (đậu hạt, rau củ quả…) chứa vitamin dễ bị hao hụt. Thực phẩm tươi sống, dinh dưỡng cũng dễ bị mất chất do để tủ lạnh lâu ngày hoặc chế biến sai cách (như cắt nhỏ trước khi rửa…) hoặc bay hơi trong quá trình chế biến. 

Trong điều kiện mua sắm khó khăn, đông lạnh là phương pháp được khuyến khích để dự trữ thực phẩm. Khi trữ đông thịt cá nên chia nhỏ thành từng phần đủ ăn, tránh rã đông một lượng lớn rồi đông lạnh trở lại phần thừa, làm tăng nguy cơ nhiễm vi sinh. Trong tủ đông, ngăn đá tủ lạnh, nên sắp xếp thực phẩm hợp lý, thực phẩm chín để trên, thực phẩm sống để dưới và khác ngăn, tầng để tránh nhiễm chéo. Nên bảo quản thực phẩm trong hộp có nắp đậy kín, ghi ngày để sử dụng theo thứ tự ưu tiên, đông trước dùng trước, đông sau dùng sau. 

Khi khui sử dụng hay chế biến thực phẩm nói chung, nên bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ sau nấu. Muốn để lâu phải cất vào ngăn mát tủ lạnh (sử dụng trong 1-2 ngày) hoặc giữ ở nhiệt độ trên 600C. Để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật, người dân chỉ cần đảm bảo chế độ ăn cân đối, đầy đủ các nhóm chất, vitamin và khoáng chất. Một người, mỗi ngày nên ăn ít nhất 300 gram rau, 200 gram trái cây, tiêu thụ ít nhất 1-2 phần sữa (1 phần tương đương 100 ml sữa, hoặc 1 hũ sữa chua, 1 miếng phô mai). Ngoài ra, đừng quên cung cấp đủ vitamin D có lợi cho tâm trạng thông qua việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời, sử dụng thực phẩm có bổ sung vitamin D (ví dụ trong bánh và sữa), hoặc uống thuốc bổ sung vitamin D.  

“Để tránh u uất, buồn chán khi phải ở nhà quá lâu ngày, bên cạnh đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn, người dân cũng nên biến giờ ăn thành những phút giây vui vẻ của gia đình. Các thành viên có thể dành thời gian cùng nấu món ăn yêu thích, ăn cùng bữa (nhất là gia đình có trẻ em và người cao tuổi) cũng là một biện pháp tăng cường sức khỏe và tinh thần cho các thành viên”, TS-BS Trần Quốc Cường khuyên.

Tin cùng chuyên mục