
Những liên kết theo nhiều hình thức giữa tài chính ngân hàng và bảo hiểm đã trở thành một xu hướng ngày càng gia tăng ở nước ta. Hiện nay bảo hiểm tín dụng và bảo hiểm đầu tư đang là hình thức tiềm năng cho sự phối hợp giữa hai thể chế này.

Trong đó bảo hiểm tín dụng là hình thức chuyển một phần hoặc toàn bộ rủi ro trong tín dụng cho các tổ chức bảo hiểm. Đây là hình thức rất phổ biến ở các nước khác nhưng lại khá mới ở nước ta và hiện vẫn chưa có nhiều ngân hàng thực hiện.
Đối với bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp có thể mua bảo hiểm cho hoạt động sản xuất kinh doanh và dựa vào sự bảo đảm này để vay vốn ngân hàng. Khi đó người vay sẽ giảm lo lắng, tổ chức bảo hiểm mở rộng được đối tượng khách hàng, còn các ngân hàng thương mại cũng yên tâm hơn về rủi ro tín dụng do đã có một công ty bảo hiểm sát bên cạnh.
Gần đây Ngân hàng Quốc Tế (VIB Bank) với Công ty Bảo hiểm Quốc tế AIAV cung cấp những sản phẩm bảo hiểm khá giống với các hình thức này. Chẳng hạn khách hàng tham gia chương trình “cho vay tín chấp cán bộ quản lý điều hành” của VIB Bank sẽ được tặng 1 hợp đồng bảo hiểm sản phẩm “An tâm bảo gia” có giá trị tương đương hoặc lớn hơn số tiền vay, giúp khách hàng chủ động về tài chính khi có rủi ro xảy ra.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc bảo hiểm tín dụng khi sẵn sàng trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho các doanh nghiệp. Mới đây, ngân hàng này đã liên kết với Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) để bảo hiểm cho khách hàng tiền vay của SCB. Trong năm 2006 SCB có kế hoạch trích 10 tỷ đồng để bảo hiểm cho khách hàng, như vậy tạo doanh thu cho BIC ít nhất là 20 tỷ đồng.
Ông Phạm Anh Dũng, Tổng Giám đốc SCB, cho biết: Ngân hàng có thể thẩm định được mức độ rủi ro của các khoản vay, nhưng đối với các tai nạn do thiên tai thì ngoài khả năng của con người. Chỉ cần khách hàng tổn thất một phần, sản xuất kinh doanh đình trệ thì rủi ro cho ngân hàng rất lớn. Nếu bảo hiểm trả tiền kịp thời, doanh nghiệp có thể sản xuất ngay, khi đó ngân hàng có thể chậm thu hồi chứ không mất vốn.
Một khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường vốn ít, trình độ kinh doanh kém, nên mặc dù ngân hàng có muốn cho vay, khách hàng muốn mua bảo hiểm nhưng công ty bảo hiểm thường không chấp nhận bảo hiểm. “Mục đích của SCB liên kết với các công ty bảo hiểm là kỳ vọng vào sự tư vấn của các công ty bảo hiểm để hạn chế thấp nhất các rủi ro cho khách hàng. Tôi hy vọng hình thức này sẽ trở thành mô hình phổ biến trên thị trường trong thời gian tới…” - ông Dũng nói.
HOÀNG THẠCH