Tiến độ giải ngân gắn với hiệu quả

Việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn tới là một trong những giải pháp then chốt góp phần khôi phục nền kinh tế trong bối cảnh suốt gần 2 năm qua, Việt Nam bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 

Tại phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (bế mạc ngày 14-7), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tỏ ra rất sốt ruột về công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai Luật Đầu tư công. “Tôi thấy có con số 700 dự án, nhưng đến nay chưa thấy được hình dáng, danh mục dự án ở đâu. Xoay đi xoay lại là gần hết năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm. Không chuẩn bị tốt, không có danh mục thì có tiền cũng không giao vốn được”, Chủ tịch Quốc hội nói về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. 

Quả thực, những mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025 là không dễ dàng đạt được. Cụ thể, dự kiến tổng mức vốn của giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, ngân sách dự kiến bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 30.000 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỷ đồng. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, Chính phủ dự kiến bố trí trên 183.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trong đó dành gần 66.000 tỷ đồng cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, đó là giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1, dự án hồ chứa nước ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Có khoảng 38.000 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Số vốn còn lại dành cho các dự án đường bộ cao tốc khác. 

Như vậy, tỷ lệ giải ngân trung bình giai đoạn 2021-2025 phải đạt khoảng 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6%-7% so với giai đoạn 2016-2020 (khoảng 83,4%), mặc dù đó là giai đoạn đã có sự cải thiện đáng kể so với trước. Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, mặc dù việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công có nhiều cải thiện, nhưng có 2 mục tiêu vẫn không đạt, đó là bảo đảm cân đối ngân sách trung ương cho đầu tư và thu hồi vốn ứng trước. Trừ năm 2020 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt tới 98% kế hoạch năm, còn lại các năm trước đều khá ì ạch, mặc dù Chính phủ và Thủ tướng đã thường xuyên đôn đốc. 

Bên cạnh yêu cầu rà soát, điều chỉnh khung khổ pháp luật về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội đã đặc biệt lưu ý về căn bệnh “đổ thừa cho cơ chế”, lấy cớ vướng cơ chế để bao biện cho sự trì trệ yếu kém trong triển khai thực hiện. Do đó, một mặt điều chỉnh những điểm vướng về khung khổ pháp luật (theo hướng đẩy mạnh phân cấp, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động đầu tư công), mặt khác, cần tiếp tục thúc đẩy quá trình thực hiện thông qua hàng loạt giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá, kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn để bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công…

Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án là yêu cầu then chốt. Đây chính là vấn đề đã được người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh. Cuối cùng, một yêu cầu tuy không mới nhưng vẫn luôn luôn đúng: quá trình này không thể thiếu thanh tra, kiểm toán; giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; bảo đảm công khai, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục