Ứng xử văn hóa
Một hôm đang dừng xe chờ đèn đỏ, tôi nghe tiếng còi xe bấm liên tục, inh ỏi từ phía sau. Mọi người ngoái đầu lại nhìn thì thấy một thanh niên đang bật đèn xi nhan rẽ phải, càu nhàu: “Cho quẹo phải cái!”. Có người tỏ ý bực mình: “Quẹo đâu có được ưu tiên mà bắt người ta nhường”, nhưng cũng có người nhích xe vượt lên qua khỏi vạch dừng để nhường cho thanh niên kia rẽ phải.
Đó là cảnh thường thấy ở các đô thị. Không ít người đi xe máy phải chịu đựng tiếng còi xe bấm liên tục cứ như giục người đi trước phải nhường đường, bất kể người đó đang lưu thông hay dừng đúng làn đường của họ, bất kể nguyên tắc người đi sau không có quyền ưu tiên khi vượt, hay khi người đứng trước dừng đèn đỏ chưa kịp di chuyển. Có người sau khi không được nhường (vì người ta vì không thể tránh đi đâu để nhường) thì tỏ ra tức tối, cau có, cự nự…
Cũng có người lái ô tô, nhất là taxi và xe buýt, dù phía trước không thể lưu thông nhưng vẫn bấm còi inh ỏi thúc giục khiến người lưu thông phía trước thấy bị ức chế. Dù hiện nay, người sử dụng xe máy không được gắn còi hơi nhưng một số người vẫn gắn còi điện có âm lượng quá lớn, mỗi lần bấm lại gây phiền hà cho những người khác.
Trong điều kiện lưu thông còn nhiều bất cập ở nước ta hiện nay, nhất là tại các đô thị, cùng ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, việc sử dụng còi xe còn rất tùy tiện. Việc sử dụng tiếng còi đúng lúc, đúng chỗ không chỉ thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, mà còn là biểu hiện văn hóa, văn minh. Người tham gia giao thông phải sử dụng loại còi phù hợp với từng loại xe, có âm lượng vừa phải và dùng vào thời điểm đúng quy định (Luật Giao thông đường bộ cấm dùng còi từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau ở các đô thị hoặc khu vực đông dân cư).
Bên cạnh đó, khi bấm còi thì không nên chỉ nghĩ đến sự tiện lợi của mình, mà phải nghĩ đến người khác. Tiếng còi phải tránh làm ồn, làm phiền những người tham gia giao thông xung quanh, đừng vì tiếng còi mà buộc người khác phải vi phạm luật giao thông, nhất là trường hợp vì phải nhường người rẽ phải mà phải nhích xe vượt qua vạch dừng đèn đỏ.
Trên thực tế, có không ít người tham gia giao thông từng bị giật mình bởi những tiếng còi xe âm lượng lớn hoặc liên tục dội vào tai. Đã từng có những trường hợp tai nạn thương tâm liên quan tiếng còi. Đáng tiếc là thủ phạm trong không ít vụ việc là thanh niên, những người lẽ ra phải tiên phong trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại.
Có lẽ khi bấm còi, mỗi người nên tự đặt mình vào vị trí của người xung quanh, để xem tiếng còi đó liệu có gây nguy hiểm hay phiền hà hay không. Có thể nói rằng tiếng còi là một biểu hiện của văn hóa giao thông nói riêng mà cũng là văn hóa ứng xử nói chung, vì vậy cần phải có trách nhiệm với tiếng còi xe của mình.
TRỊNH MINH GIANG
(Thủ Đức, TPHCM)