Tiếp nối nghĩa tình Trường Sơn

Nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, Báo SGGP có loạt bài: “Trường Sơn - 10 năm trở lại” (đăng từ ngày 22 đến 26-4-2019), nói về những đổi thay của Trường Sơn, và cả những khó khăn, thiếu thốn về đời sống, sinh hoạt của người dân trên các bản làng ở Trường Sơn.

Kết thúc đợt tuyên truyền, Báo SGGP đã nhận được những phản hồi tích cực từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho Trường Sơn, thông qua nhiều hoạt động mang ý nghĩa tiếp nối nghĩa tình với Trường Sơn…

Viên thuốc nghĩa tình

Chuyến tàu SE4 khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 19g45, chở theo gần 1 tấn hàng hóa thiết yếu, thuốc chữa bệnh của nhiều cá nhân, tổ chức gửi tặng đồng bào trên các bản làng Trường Sơn hùng vĩ của 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An; trong đó có hơn 200kg thuốc chữa bệnh các loại của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và 2.000 chai dầu gió, 1.000 chai nước tương của doanh nhân Lê Thị Giàu ở TPHCM.

Tiếp nối nghĩa tình Trường Sơn ảnh 1 Trạm xá Quân dân y Huồi Bắc, Đồn Biên phòng Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) tiếp nhận thuốc chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng
Kế hoạch chuyển số hàng nghĩa tình trên được Báo SGGP phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An thực hiện trong thời gian ngắn nhất, đến được tận nơi, trao được tận tay người dân các bản làng Trường Sơn từ Làng Ho, Cha Lo, Rào Tre, Phú Gia, đến tận Môn Sơn và Cổng Trời, Huồi Bắc.

Đoàn chúng tôi đến Trạm xá Quân dân y Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, xã Liên Hương, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã gần xế chiều. Đến nơi đã có gần 100 người dân bản Rào Tre đang chờ “bộ đội phát quà và thuốc”. Đã từ rất lâu, tộc người Chứt của bản mới đón một đoàn từ xa đến mang theo những viên thuốc quý chữa bệnh cho bà con.

“Biết cái dầu này xoa cái bụng hết đau, mình vui lắm”, “Rất vui, rất phấn khởi được bộ đội cho viên thuốc về chữa bệnh”, “Má nghe nói có thuốc là bỏ việc chạy lại thôi. Có thuốc khỏe để ra đồng đi làm”… Góc sân Trạm xá Quân dân y Rào Tre ríu rít tiếng cười, nói vui mừng của người dân bản Rào Tre đến nhận viên thuốc, chai nước tương, lọ dầu gió từ tay các thành viên trong đoàn chúng tôi trao tặng.

Đại úy Nguyễn Đức Long, phụ trách Trạm xá Quân dân y Rào Tre, cho biết: “Ngoài bản Rào Tre, còn nhiều bản lân cận đồng bào đang rất cần thuốc chữa bệnh. Nhiều lúc, nhìn cảnh đồng bào đau yếu đến khám mà trạm không có thuốc cấp, phải giới thiệu lên tuyến trên, chúng tôi cũng ngậm ngùi lắm…”.

Từ TP Vinh, vượt hơn 300 cây số đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến vùng núi cao Cổng Trời, Huồi Bắc, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), mang theo những viên thuốc nghĩa tình tặng đồng bào các dân tộc Khơ Mú, Thái sinh sống tại đây. Đến Trạm xá Quân dân y Huồi Bắc, đã có hàng chục người dân ở các bản của xã Bắc Lý và cả ở bản Huồi Khơ, Noọng Hán của xã Đoọc Mạy vượt mấy ngọn đồi, đến từ rất sớm để mong được “bộ đội khám và cấp viên thuốc về uống cho hết cái bệnh”.

Chị Lò Khuyên, bản Huồi Bắc dẫn theo 2 đứa nhỏ, nói: “Nghe bộ đội nói lên đây có phát thuốc, bản mình mừng lắm. 2 đứa con sốt mấy hôm nay rồi mà chưa có thuốc uống…”. Anh Mòng Pha Lệnh, Trưởng bản Huồi Bắc, cho biết: “Bản có 67 hộ, đa phần là hộ nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Mỗi khi ốm đau, người dân phải mất 2,3 ngày đường lội suối, vượt dốc cao về dưới xã xin viên thuốc uống. Ai bệnh nặng là thôi, nằm nhà chịu vậy. Giờ có thuốc mang đến tận bản cho bà con, ai cũng mừng lắm”.

Còn theo thượng úy Trần Văn Cường, Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y Huồi Bắc: Mỗi năm trạm xá khám, chữa bệnh cho từ 360-400 lượt người, chủ yếu là các bệnh như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, cột sống, thần kinh… Tháng mưa gió thuốc chưa lên kịp, hay gặp lúc hết thuốc bà con đến trạm xá phải về không, chúng tôi cũng đành chịu, không biết làm sao. Ngoài số thuốc của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi tặng, BS Phạm Mai Hoa ở TPHCM còn tặng trạm xá một máy châm cứu điện đa năng, có thể chữa được một số bệnh thông thường cho bà con bằng phương pháp y học cổ truyền.

Chung tay góp sức vì Trường Sơn

Trở về sau chuyến đi Trường Sơn, chúng tôi bất ngờ nhận được điện thoại của anh Võ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) thông báo vừa nhận được công văn của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, xác nhận sẽ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Khe Hó - căn cứ đầu tiên của Tiểu đoàn 301 (tiền thân Đoàn 559 Trường Sơn), và là điểm xuất phát của những đội quân “soi đường, lập tuyến” đường Trường Sơn 60 năm trước.

“Khó khăn lớn nhất khi xây dựng khu tích lịch sử Trường Sơn này là đường vào Khe Hó hiện rất lầy lội, vượt qua nhiều khe suối. Nhưng khó mấy cũng phải xây dựng một công trình di tích tại đây, để cho các thế hệ mai sau biết về Trường Sơn của cha ông những năm chiến tranh ác liệt như thế nào”, Chủ tịch Võ Văn Sanh quả quyết.

Một công trình ý nghĩa khác với Trường Sơn trên đường 20 Quyết Thắng ở Quảng Bình cũng vừa được nhà báo Nguyễn Đức, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Nghĩa tình Trường Sơn, Báo SGGP - thông báo đang được khởi động trở lại sau gần 1 năm gián đoạn vì thủ tục, đó là Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng. Công trình nguyên trước kia nằm trong kế hoạch thực hiện của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo SGGP, nhưng do khó khăn về kinh phí, cho đến giữa năm 2017 mới được khởi động trở lại, do nhà báo Nguyễn Đức tiếp nối thực hiện nhưng với danh nghĩa của Tạp chí Nông thôn Việt - nơi anh làm Tổng Biên tập.

Như nhà báo Nguyễn Đức và các đồng đội Trường Sơn của anh tâm sự: “Hiện ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 có khoảng hơn 20 ngàn hài cốt liệt sĩ được quy tập về đây. Trong khi số người hy sinh ở Trường Sơn nhiều hơn số đó, có rất nhiều anh em hy sinh không còn thân xác. Thân xác họ đã hóa vào cây, cỏ, con suối của núi rừng Trường Sơn. Một ngôi đền ở những nơi ác liệt của Trường Sơn như Đường 20 Quyết Thắng sẽ là nơi để linh hồn các liệt sĩ có nơi trú ngụ, nương tựa”.

Mong muốn của nhà báo Nguyễn Đức và các cựu chiến binh Trường Sơn là công trình sớm hoàn thành, để cho thế hệ hôm nay và mãi về sau mỗi lần lên Trường Sơn có nơi thắp một nén hương tưởng nhớ các thế hệ cha anh đã hy sinh trên mảnh đất này.

Còn nhiều công trình khác nữa đang cần sự chung tay, góp sức của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong cả nước, để góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân các bản làng ở Trường Sơn và bảo tồn, giữ gìn những chứng tích của Trường Sơn.

Sau chuyến đi Trường Sơn do Báo SGGP tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua, thấy được những viên thuốc quý được trao tận tay đồng bào các bản làng ở Trường Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam chuyển từ Hà Nội vào cho Báo SGGP hơn 400kg thuốc chữa bệnh các loại, để báo tiếp tục chuyển tặng đến Trường Sơn. Với lượng thuốc này, Báo SGGP sẽ chuyển tặng đến 17 trạm xá quân dân y do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum đang quản lý, để cấp phát cho đồng bào các bản làng ở Trường Sơn.

Tin cùng chuyên mục