Câu chuyện chủ nhật

Tiếp sức để “vượt lên chính mình”

Câu chuyện chương trình truyền hình vì cộng đồng Vượt lên chính mình đang gặp rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ tạm dừng sản xuất, hiện nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Trong bối cảnh cạnh tranh với nhiều khó khăn, để duy trì được một chương trình có tính chất từ thiện như trên đã là nỗ lực lớn. 

Tin Vượt lên chính mình có khả năng ngưng sản xuất được diễn viên Quốc Thuận, MC chương trình, hé lộ. Anh cho biết, chương trình đang gặp nhiều khó khăn với nhiều lý do khách quan, chủ quan. Dù là người mới gắn bó với chương trình trong thời gian ngắn nhưng anh cảm thấy rất buồn. Nam diễn viên mong mỏi sẽ có “phép màu” để chương trình được tiếp tục. Điều đó đồng nghĩa với việc bà con nghèo sẽ có cơ hội nhận thêm những sự hỗ trợ cần thiết trong hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc sống. Hiện tại, nhà sản xuất, Công ty Lasta Multimedia và HTV, đơn vị phối hợp thực hiện, phát sóng, chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về việc có tiếp tục thực hiện mùa thứ 15 không.

Vượt lên chính mình lên sóng số đầu tiên vào tháng 9-2005, là chương trình trò chơi truyền hình với mục đích xóa nợ và cấp vốn làm ăn cho mọi đối tượng nghèo có vay vốn ngân hàng và muốn được xóa nợ. Chương trình trải qua hàng trăm số phát sóng, đến với bà con nghèo vùng sâu, vùng xa nhất trên cả nước. 
 
Ngoài những sự hỗ trợ về mặt kinh tế, điều quan trọng hơn, nói như 2 MC Quyền Linh và Quốc Thuận, chương trình đã thắp lên niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Điều đó vô cùng quan trọng bởi khi niềm tin được trao sẽ giúp những người nghèo có thêm động lực hơn trong cuộc sống. Cũng từ những sự giúp đỡ đó, rất nhiều mảnh đời đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống no ấm.

Hành trình 14 năm của Vượt lên chính mình có thể nói là sự phi thường. Là người gắn bó lâu năm nhất - gắn liền tên tuổi với chương trình, MC Quyền Linh thấm thía hơn cả những vất vả mà ê kíp đã trải qua. Băng rừng, lội suối, đi bộ… đến những bản, làng xa xôi nhất để tìm hiểu từng hoàn cảnh, ghi hình. Quốc Thuận cho biết, khi tham gia mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả và cả nỗ lực phi thường mà ê kíp đã vượt lên để gầy dựng Vượt lên chính mình - một thương hiệu chương trình truyền hình vì cộng đồng có sức ảnh hưởng và sự bền bỉ bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. 

Nhưng nhìn rộng ra lại là một thực trạng đáng buồn. Trong bối cảnh các gameshow, chương trình truyền hình thực tế về thi tài, ca hát, hài… luôn ồn ào trên truyền thông, các chương trình truyền hình vì cộng đồng khép mình lặng lẽ. Một điểm dễ nhận thấy, nếu các chương trình thiên về yếu tố giải trí luôn được ưu ái xếp vào các khung giờ vàng trên khắp các kênh sóng thì các chương trình nhân ái luôn chịu “lép vế” với các khung giờ xấu hơn. Gameshow bùng nổ bao nhiêu thì các chương trình thiện nguyện, dường như càng phải co cụm bấy nhiêu. 

So với các chương trình giải trí ăn khách, áp lực rating (lượng khán giả theo dõi) và thu hút quảng cáo, tài trợ đối với các chương trình truyền hình thiện nguyện càng không hề dễ dàng. Ngay cả với Vượt lên chính mình, từng đạt rating 35% cũng không ngoại lệ. Bản thân các đơn vị tài trợ, quảng cáo cũng không quá mặn mà với các chương trình nhân ái vì không mang lại lợi nhuận cao dù ai cũng biết, mục đích của nó rất tốt đẹp.

Một hệ quả là, hầu hết các chương trình này đều gặp phải những khó khăn về chuyện tài chính để có thể duy trì việc sản xuất, phát sóng. Nếu có dịp theo chân các ê kíp sản xuất sẽ thấy, quá trình thực hiện không chỉ vất vả, khó khăn mà còn tốn kém hơn rất nhiều so với các chương trình giải trí khác. Bản thân các đơn vị thực hiện, nhất là các ê kíp sản xuất tư nhân nếu không có tiềm lực mạnh, sự chung tay của các nhà tài trợ, mạnh thường quân, sự hỗ trợ của nhà đài… rất khó để duy trì. 

Ngược thời gian sẽ thấy, không ít chương trình khiến các ê kíp thực hiện phải đau xót chấp nhận “đứt gánh giữa đường” như Cùng xây tương lai, Bếp yêu thương, Nước sạch cho em, Đèn đom đóm… Một chương trình có thương hiệu rất lớn trên sóng HTV là Ngôi nhà mơ ước cũng phải ngừng phát sóng sau hơn 11 năm thực hiện. Đó thực sự là những trường hợp đáng tiếc và đáng buồn.

Hiện Vượt lên chính mình có tiếp tục hành trình 15 năm của mình không, vẫn cần thời gian trả lời. Nhưng, câu hỏi đặt ra là: Chỗ đứng nào cho chương trình truyền hình thiện nguyện để nó có vị trí đường hoàng trên các kênh sóng, được sự chung tay của cả cộng đồng. Nếu muốn những chương trình này lan tỏa những điều tốt đẹp ra xã hội, trước hết nó cũng cần được tiếp sức, hồi sinh. 

Tin cùng chuyên mục