Thực tế việc đưa các chương trình dạy và học ngoại ngữ vào các trường phổ thông thời gian qua ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng là hết sức rối rắm, thậm chí đến mức bát nháo, lộn xộn. Đã qua rồi thời kỳ có giáo trình tiếng Anh nào dạy tốt - học tốt là học sinh đua nhau đi học thêm. Ngày nay, rất nhiều chương trình dạy ngoại ngữ có chất lượng của các tổ chức kiểm định giáo dục, các trường đại học, các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới du nhập về Việt Nam thông qua các đại diện, công ty giáo dục để xuất hiện tại các trung tâm ngoại ngữ cho đến các trường phổ thông.
“Trăm hoa đua nở” các chương trình dạy ngoại ngữ khiến cho phụ huynh và học sinh phát choáng khi chọn lựa. Hàng chục chương trình ngoại ngữ “nhập khẩu” từ Anh, Mỹ, Australia cho đến Phần Lan, Canada, Singapore, Philippines… thông qua hàng trăm đơn vị ủy quyền, đại diện tại Việt Nam vô hình trung hình thành một thị trường dạy tiếng Anh, mà công tác quản lý nhà nước thật sự chỉ mới sờ đến một phần nhỏ của thị trường này.
Trong khi đó, học sinh và cả giáo viên phổ thông Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua tầm lãnh thổ để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kiến thức của thế giới vì chúng ta vẫn còn quá kém ngoại ngữ.
Singapore đi trước chúng ta hơn 20 năm khi đề ra chương trình ngoại ngữ quốc gia đúng chuẩn của Anh quốc. Chương trình học ngoại ngữ được phổ cập ngay từ bậc tiểu học và kéo dài suốt quá trình học phổ thông. Học sinh của Singapore có bằng tú tài đều có thể bước vào các trường đại học danh tiếng của Anh, Mỹ và sau đó trở về xây dựng quốc đảo nhỏ xíu ở Đông Nam Á trở thành con rồng của thế giới. Điều đó khẳng định một hướng đi đúng trong dạy và học ngoại ngữ, đào tạo nhân lực có khả năng hội nhập tốt mà Việt Nam cần bước theo.
Một xu hướng mới ngay tại chính Anh quốc, nơi “xuất khẩu” các chương trình dạy ngoại ngữ có thương hiệu, đó lại là… “nhập khẩu” giáo viên. Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục Anh quốc, họ vẫn không tránh khỏi tình trạng thiếu giáo viên có trình độ, dù nền giáo dục của họ có nền tảng phát triển hàng trăm năm và đổi mới theo từng thời kỳ. Các môn học trong trường phổ thông, nhất là các môn tự nhiên, đã có giáo trình chuẩn, đảm bảo cung cấp kiến thức đầy đủ cho học sinh.
Tuy nhiên theo đánh giá, các học sinh châu Á lại có tư chất nhạy bén hơn trong việc học toán và các môn khoa học. Chính vì thế, Anh quốc có chủ trương “nhập khẩu” và cho phép giáo viên người Trung Quốc đứng lớp giảng dạy môn toán cho học sinh trong hệ thống trường học của Anh.
Việc nhập khẩu và xuất khẩu “công nghệ giáo dục” đặt ra bài toán lớn đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Phải có một quy định rõ ràng về chuyển giao công nghệ khi đưa các chương trình dạy học du nhập về Việt Nam. Không thể bê nguyên xi chương trình của nước ngoài về ấn vào bắt học sinh học theo. Hay giáo viên Việt Nam phải học và làm theo đúng những yêu cầu mà chương trình đó đặt ra.
Giáo dục không thể giống như “chuyển giao nhượng quyền” trong lĩnh vực kinh doanh: phải sử dụng đúng nguồn nguyên liệu, đúng mẫu mã, đúng quy cách logo, đúng tác phong phục vụ… Người thầy đứng lớp phải là nhân tố sáng tạo để sản phẩm con người phải hoàn mỹ, có kiến thức, trình độ và giữ được bản sắc văn hóa.
Bởi vậy, khi đưa về một chương trình dạy và học ngoại ngữ có chất lượng - chẳng hạn sắp tới sẽ áp dụng chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục Anh quốc vào trường phổ thông, phải đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của giáo viên. Sau 2 hoặc 3 năm tham gia chương trình, giáo viên người Việt phải tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để có thể trực tiếp đứng lớp, thay thế các giáo viên nước ngoài dạy chương trình của nước ngoài. Không chỉ có các môn toán, khoa học, tiếng Anh, giáo viên Việt Nam phải được đào tạo đủ trình độ tiếng Anh trong các chuyên ngành như luật học, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị doanh nghiệp, hàng không, cơ khí, du lịch - khách sạn, công nghệ thông tin…
Để chương trình dạy và học ngoại ngữ thành công, đúng thực chất, ngoài công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, việc triển khai các chương trình phải đảm bảo đúng quy định về chuyển giao, có chất lượng, triển khai đồng bộ và thống nhất. Mục đích đào tạo con người có tay nghề cao, kiến thức tốt, khả năng hội nhập tốt với các nền kinh tế - văn hóa khác, là hướng đến của việc đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục nước nhà.
PHƯỚC BÌNH