Tiếp tục bình ổn giá, kích cầu mua sắm

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các doanh nghiệp bán lẻ tại TPHCM đã bắt tay vào ổn định giá cả hàng hóa, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động giảm giá, khuyến mãi để kích cầu mua sắm.

Thị trường giá cả ổn định

Thông thường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng, nhất là rau quả, thực phẩm tươi sống sẽ tăng giá. Tuy vậy, năm nay, theo ghi nhận, lượng hàng hóa ở các siêu thị tại TPHCM dồi dào, đa dạng. Chị Nguyễn Xuân Anh (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ, so với mọi năm thì 2 tháng đầu năm 2024, giá nhiều mặt hàng như rau củ, thịt heo, trứng gia cầm… không tăng. Chị Xuân Anh thường vào các hệ thống siêu thị của Co.opmart mua hàng nên giá cả rất ổn định, lại được tham gia các chương trình khuyến mãi, tặng quà.

Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Thùy (ngụ quận Bình Thạnh) cũng cho biết: “Tôi thấy giá nhiều mặt hàng hầu như không biến động so với trước tết, thậm chí còn giảm mạnh vì được các nhà bán lẻ khuyến mãi”.

Để ổn định giá hàng hóa, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ ở TPHCM đã dành phần lớn nguồn tài chính cho việc trữ hàng, bình ổn giá suốt thời gian qua. Thông tin tại buổi họp cung cấp thông tin quý 1-2024 của ngành công thương mới đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã dành 20.000 tỷ đồng để sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường thành phố trong 2 tháng dịp tết; bình ổn giá kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu và bảo đảm an sinh xã hội. Phía các nhà bán lẻ dự đoán trước được thị trường nên đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp nhằm chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa thiết yếu, hạn chế việc tăng giá.

Đơn cử như Saigon Co.op đã thực hiện chương trình “Hái lộc vàng phú quý cả năm”, kéo dài từ ngày 15 đến 28-2 trên toàn hệ thống. Với chương trình này, Saigon Co.op giảm giá lên đến 30% cho 1.000 mặt hàng, đồng thời dành hơn 10.000 bao lì xì may mắn, 1 triệu điểm thưởng cho những khách hàng mua sắm tại siêu thị.

xhh-8b-2343-7344.jpg
Kích cầu ngay từ đầu năm giúp ổn định thị trường bán lẻ

Tiếp tục khuyến mãi

Các nhà bán lẻ xác định việc giữ giá hàng hóa ổn định là trách nhiệm phải làm xuyên suốt năm chứ không riêng dịp lễ, tết. Do vậy, ngay sau đợt khuyến mãi đầu năm, các nhà bán lẻ tiếp tục làm việc với nhà cung cấp để mang tới sản phẩm giá cả phải chăng, chất lượng tốt.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, sau khi kết thúc đợt khuyến mãi “Hái lộc vàng phú quý cả năm”, toàn hệ thống siêu thị gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… tại khu vực TPHCM tiếp tục triển khai chương trình “Sale ngập tràn dành tặng nàng”, kéo dài từ ngày 29-2 đến 13-3. Trong chương trình này, các sản phẩm hóa mỹ phẩm, thời trang, hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống… tiếp tục được giảm giá mạnh. Trong đó, hàng thời trang giảm từ 20%-40%, thực phẩm tươi sống giảm 10%-15%, thực phẩm công nghệ giảm 8%-20%; hàng hóa mỹ phẩm giảm 10%...

Thông qua việc giảm giá này, Saigon Co.op mong muốn góp phần giữ ổn định thị trường hàng hóa, qua đó chung tay cùng TPHCM trong việc kích cầu thị trường nội địa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2024.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thực hiện khuyến mãi chỉ là một trong những giải pháp để giữ giá hàng hóa. Do đó, trên bình diện rộng hơn, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, cần có giải pháp căn cơ, dài hơi. Chẳng hạn như chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng đến hết năm 2024, nhưng theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, chính sách kéo dài quá lâu thì sẽ dẫn đến “lờn”, không còn phát huy tác dụng kích cầu. Vì vậy, cần có giải pháp khác, tác động và hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Nhà nước nên chăng có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường.

Mặt khác, các chính sách cần có sự hoạch định, áp dụng sớm và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các doanh nghiệp có thể tồn tại. Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể cung - cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Và để làm được những nội dung này, cần tái cấu trúc ở tầm vĩ mô, góp phần giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.

Tin cùng chuyên mục