Ngày 20-10, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc gặp với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nhằm tiếp tục tháo gỡ thị trường BĐS đang khó khăn hiện nay. Tại cuộc gặp, bộ trưởng cho biết bộ đang trình Chính phủ cho phép xây dựng căn hộ nhỏ 25m². Đây có thể xem là lối ra để cứu thị trường đang tê liệt?
Rào cản chính sách
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại diện Công ty Xây dựng Hòa Bình cho biết đang thầu xây dựng khoảng 45 dự án trên toàn quốc nhưng hầu hết chủ đầu tư nợ tiền xây dựng, dẫn đến tình cảnh như đang ngồi cùng “thuyền nợ nần”.
Công ty cổ phần Địa ốc Nam Long nêu lên thực trạng, người dân đang chờ và không mua nhà đất, nhà đầu tư nước ngoài rất thận trọng, không dám đầu tư. Nhận định cho rằng BĐS thừa chắc chắn chưa đúng, bởi TPHCM có trên 7 triệu dân có đăng ký, trong khi lượng nhà hoàn thành mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của thị trường.
Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp chỉ tên là “rào cản” chính sách. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, nêu: Nghị định 64 về cấp phép xây dựng quá nhiều thủ tục, mỗi thủ tục mất 3 tháng thì 3 thủ tục cộng lại thành 9 tháng. Ở Việt Nam công tác chuẩn bị đầu tư lâu hơn 2 - 4 lần ở nước ngoài, họ chỉ mất 6 tháng còn ta mất 3 năm. Khi lãi suất đang cao, việc chậm chạp như thế sẽ khiến chi phí vốn tăng lên rất nhiều.
Luật sư Trương Thị Hòa dẫn dắt, những quy định chồng chéo không kịp thời sửa đã gây nên những khó khăn. Ngay như việc tính diện tích căn hộ hiện nay cũng không thống nhất.
Đề xuất giải pháp, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhà Thủ Đức, phân tích, muốn vực dậy thị trường phải cải thiện nguồn vốn, cải thiện tính thanh khoản, tức tạo những chương trình đột phá để cải thiện niềm tin. Đầu tiên phải cải thiện nguồn vốn. Vì ngân hàng không có vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp vay nên trong cơ cấu ngân hàng phải cải thiện, đồng thời ổn định lãi suất.
Song song triển khai ngay quỹ đầu tư BĐS, niêm yết lên sàn, tạo tính thanh khoản để huy động vốn. Giải quyết nợ xấu bằng bàn tay của nhà nước để các ngân hàng ngồi lại với nhau, ngồi lại với doanh nghiệp cùng tìm giải pháp. Cải thiện tính thanh khoản nhằm mục đích giải quyết tồn kho. Đây không chỉ là vấn đề của riêng BĐS mà còn vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… Điều này sẽ là sống còn với doanh nghiệp. Muốn tăng tính thanh khoản thì giá phải giảm. Trong khi giá bán lại do nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có tiền sử dụng đất dù kêu ca rất nhiều lần, rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Nên mạnh dạn giảm ngay thuế VAT cho phân khúc căn hộ bình dân, từ đó giảm giá thành sản phẩm, giảm thủ tục từ đó giảm chi phí.
Xây dựng căn hộ 25m²
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, ý kiến các doanh nghiệp đang được cơ bản thực hiện, trước hết là xây dựng chính sách, kiểm tra những vấn đề thực tế, cụ thể để khai thông thị trường BĐS.
Bộ trưởng khẳng định, thị trường BĐS đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn, không phải trầm lắng mà là đóng băng. Muốn phát triển nền kinh tế phải phát triển đồng loạt các loại thị trường, trong đó BĐS là cốt lõi của nền kinh tế, như đầu tàu kéo nhiều ngành khác phát triển như: vật liệu xây dựng, điện, tài chính…
BĐS là ngành sản xuất vật chất tạo ra tài sản cố định của nền kinh tế, những công trình nhà xưởng, khu công nghiệp, bến cảng, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng… tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra chỗ ở để thực hiện mục tiêu vì con người. Trong năm vừa qua BĐS đóng góp rất lớn, giúp bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng, chỗ ở người dân được cải thiện rất rõ. Tuy nhiên, BĐS đang ở giai đoạn khó khăn nhất, nếu kéo dài sẽ rất nguy hiểm, rất cần quan tâm tháo gỡ.
Bộ trưởng đã “bắt mạch” nguyên nhân dẫn đến thị trường tê liệt như hiện nay là do phát triển tự phát, phong trào, thiếu kinh nghiệm, nhà nhà làm BĐS, người người làm BĐS, đêm BĐS, ngày BĐS. Khách hàng mua không trực tiếp sử dụng mà chỉ để bán qua bán lại, tạo ra thị trường ảo. Số lượng nhà đầu tư trung gian quá lớn, khiến ngộ nhận thị trường phát triển mạnh. Khi kinh tế khó khăn, các van tín dụng đóng lại, lộ thị trường mất cân bằng, hạn chế khi cung vượt quá cầu. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, chỗ nào cũng quảng cáo căn hộ cao cấp. Còn đại bộ phận người dân rất ít được quan tâm. Bên cạnh đó, lý do khách quan là lãi suất quá cao khi thắt chặt tín dụng, giáng một đòn chí mạng vào thị trường BĐS, những nhà đầu tư. Vốn đầu tư kinh doanh BĐS chủ yếu là vốn vay ngân hàng, huy động từ khách hàng nên khi lãi suất cao, thắt chặt tín dụng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn. Mặt khác, tiền sử dụng đất cao là nhân tố tạo đầu ra cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn, trong lúc chờ có chính sách cụ thể, trước hết các doanh nghiệp phải tự tháo gỡ cho chính mình. Chính điều này sẽ giúp nhà nước đưa ra các chính sách hợp lý, tập trung tính lại tổng thể cung cầu. Hiện Bộ Xây dựng đang giao Cục Kiến trúc đô thị, Cục Phát triển nhà tính toán lại toàn bộ quỹ đất, tập trung ở TPHCM, Hà Nội phân loại ra bao nhiêu dự án đã bồi thường, đang dở dang, chưa bồi thường… để từ đó các dự án chưa giải phóng mặt bằng tạm dừng lại để cứu vãn cho chủ đầu tư cũng như cho nền kinh tế.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cung cấp thông tin: Bộ đang trình Chính phủ cho phép làm căn hộ thương mại 25m² để cứu thị trường nhưng sẽ quy định số lượng trong từng dự án.
Lương Thiện
Giai đoạn 2012 - 2015, TPHCM
Xây dựng 2.700.000m² sàn nhà ở xã hội
Ngày 20-10 tại TPHCM, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM đã ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2030 trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, giai đoạn năm 2012 - 2015, TPHCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 2.700.000m² sàn nhà ở xã hội (675.000m² sàn/năm). Trong đó, nhà ở cho học sinh, sinh viên là 600.000m² sàn, đáp ứng 100.000 chỗ ở; nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp tại đô thị là 1.300.000m² sàn, đáp ứng 17.500 căn hộ; nhà ở cho công nhân là 800.000m² sàn, đáp ứng nhu cầu 93.000 người. Đồng thời phấn đấu thực hiện di dời, tháo dỡ và xây dựng mới thay thế 25 chung cư cũ xuống cấp, bị hư hỏng nặng với tổng diện tích 350.000m² sàn (khoảng 6.500 căn hộ). Trong trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thuận lợi, các chỉ tiêu trên sẽ được điều chỉnh tăng thêm nhằm phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng mỗi năm đạt 1.000.000m² sàn nhà ở xã hội (chưa bao gồm nhà ở tái định cư, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ bị hư hỏng xuống cấp) trên địa bàn TP.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ghi nhận thời gian qua TPHCM đi đầu trong phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, góp phần cải tiến điều kiện về nhà ở cho một bộ phận không nhỏ người dân. TPHCM cần tập trung quan tâm đến nhà ở cho người nghèo đô thị, công nhân và nhà ở cán bộ công chức. Sau khi ký kết chương trình hợp tác, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM sẽ cùng nhau phối hợp và quyết liệt triển khai.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, hiện TPHCM có khoảng 2 triệu căn hộ, 6,5 triệu người trong đó khoảng 50% số gia đình chưa được đảm bảo về nhà ở. Mục tiêu an cư của người dân luôn được Thành ủy và UBND TPHCM quan tâm. Việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở không chỉ mang ý nghĩa xã hội mà còn giúp TPHCM trở thành một đô thị đặc biệt, văn minh, hiện đại.
H.Nhung