Hôm qua, 5-3, tại Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có cuộc làm việc với hơn 30 đại biểu, đại diện cho giới văn nghệ sĩ và các chuyên ngành văn học nghệ thuật (VHNT) trong cả nước về Đề án phát triển VHNT trong tình hình mới. Tham dự cuộc làm việc còn có đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng sớm xây dựng Đề án phát triển VHNT trong tình hình mới. Từ tháng 8-2007 tới nay, Ban biên tập Đề án đã tích cực làm việc, tiến hành thực tế khảo sát tại nhiều Hội VHNT địa phương, tiến hành nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với văn nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực, gặp gỡ lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý VHNT… để xây dựng nên bản dự thảo đề án.
Báo cáo tóm tắt về nội dung đề án, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đề án tập trung vào 5 vấn đề lớn: Về sáng tác VHNT; Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; Sản xuất, công bố, trình diễn, sử dụng, truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, bao gồm cả giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong quá trình hội nhập; Vấn đề đội ngũ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực VHNT; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức, đầu tư, tài trợ đối với hoạt động văn học nghệ thuật. Đề án lấy mốc thời gian từ Đại hội IX của Đảng tới nay, mở rộng thời gian từ thời kỳ đổi mới để có thể có cái nhìn xuyên suốt về một giai đoạn quan trọng với nhiều biến đổi VHNT Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, các văn nghệ sĩ đã thẳng thắn, tâm huyết đóng góp ý kiến cho dự thảo đề án. Đa số ý kiến đều cho rằng đề án đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực chất tình hình VHNT thời gian qua, chỉ ra những ưu điểm, thành tựu nổi bật, đồng thời chỉ rõ những yếu kém bất cập, những vấn đề mới nảy sinh đang đặt ra trong đời sống VHNT cần quan tâm giải quyết. Theo các đại biểu đề án cũng đã đề xuất được những nội dung mới trong mục tiêu, phương hướng tiếp tục phát triển VHNT, các chủ trương và giải pháp cơ bản có tính khả thi cho sự phát triển từ nay đến năm 2015, tầm nhìn tới 2020.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Trương Tấn Sang đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các văn nghệ sĩ đối với bản dự thảo đề án lần thứ 2 này. Đồng chí khẳng định, lĩnh vực VHNT là một bộ phận đặc biệt của văn hoá nói chung, trên cơ sở những ý kiến đánh giá, từ những đề xuất thiết thực của các văn nghệ sĩ tại cuộc làm việc này, đề án sẽ tiếp tục được hoàn thiện, để trình lên Bộ Chính trị xem xét, ra nghị quyết riêng về vấn đề phát triển VHNT trong tình hình mới.
Trần Lưu