
Hôm qua, 2-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Vấn đề kiềm chế lạm phát để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững tiếp tục là vấn đề nóng tại phiên họp lần này.
Kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm nay và triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững do Bộ KH-ĐT trình bày.
Theo báo cáo này, tình hình sản xuất công nghiệp trong 5 tháng qua vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong 34 sản phẩm công nghiệp chủ lực có 12 sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch toàn ngành. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định mặc dù có nhiều khó khăn về thiên tai và dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 23.398 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Đến hết tháng 5 đã có 7 sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2007 chỉ có 3 sản phẩm). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới 5 tháng đạt hơn 15,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ, thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt gần 149.000 tỷ đồng, bằng 46% dự toán năm.

Điều hành lãi suất cơ bản trong thời gian qua là một trong những giải pháp kiềm chế tăng giá. (Ảnh chụp tại quầy giao dịch Ngân hàng TMCP Việt Á). Ảnh: ĐỨC THÀNH
Tuy nhiên, điều nổi lên trong 5 tháng qua là kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, cụ thể giá cả tiếp tục tăng ở mức cao, chỉ số giá có dấu hiệu giảm xuống trong tháng 3 và tháng 4, thì trong tháng 5 lại tăng 3,91% (tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 7,25%, trong đó lương thực tăng 22,19%; thực phẩm 2,28%); giá vàng và ngoại tệ cũng có biến động khá lớn.
So với tháng 12-2007, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã tăng 15,96%, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 26,5%. Đặc biệt nhập siêu trong 5 tháng đầu năm vẫn ở mức 14.419 triệu USD, bằng 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội
Tại phiên họp hôm qua, Chính phủ cũng dành nhiều thời gian để kiểm điểm việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Theo báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ, ban hành thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu có hiệu lực thi hành từ ngày 19-5. Điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam nâng lên mức 12%/năm và bãi bỏ quy định về trần lãi suất huy động. Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trên, về lâu dài sẽ có tác dụng tích cực đến việc hạn chế, giảm dần tốc độ tăng giá.
Về các biện pháp kiểm soát và nâng cao hiệu quả chi tiêu công đến cuối tháng 5, qua báo cáo của 28 bộ ngành, 43 địa phương và 8 tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước đã đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện kế hoạch năm 2008 là 995 dự án với tổng số vốn là 3.983 tỷ đồng, bằng 7,8% tổng vốn đầu tư trong nước thuộc ngân sách nhà nước. Về tiết kiệm chi thường xuyên 10% ở các bộ, ngành Trung ương, theo báo cáo của Bộ Tài chính sẽ đạt 2.700 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tuy còn nhiều khó khăn nhưng cơ bản tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: Giá cả thị trường tăng nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng cao nên đời sống của người dân gặp khó khăn, nhất là với người nghèo, tình trạng nhập siêu tăng, giải ngân chậm.
“Mỗi thành viên Chính phủ, mỗi ngành, địa phương cần phát huy những ưu điểm, nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, cầu thị, khắc phục tồn tại để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo tinh thần 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đã nêu để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chiều tối cùng ngày, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, liên quan tới nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện về bộ máy, quy hoạch, điều hành, ngân sách... để triển khai khi nghị quyết có hiệu lực (ngày 1-8-2008).
Đồng Việt Nam không bị phá giá Hiện nay Chính phủ vẫn kiên trì chủ trương giữ ổn định tỷ giá với biên độ 2%. Căn cứ để xem xét đồng tiền có mất giá hay không liên quan đến 2 vấn đề: dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế và cán cân thanh toán của Việt Nam. Nhưng năm 2007 dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng gấp đôi, sang năm nay vẫn được bảo toàn và nâng lên; cán cân thanh toán vẫn thặng dư, vì vậy sẽ không có chuyện đồng Việt Nam bị phá giá, mà ngược lại có cơ sở ổn định và không có biến động mạnh. Ngoài ra, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về việc xử phạt hành chính (thậm chí có thể cấu thành hình sự) đối với những hành vi đầu cơ, tăng giá, thông tin thất thiệt gây mất ổn định xã hội, đi ngược chủ trương chung là kiềm chế lạm phát. |
QUANG PHƯƠNG