Lạm phát, giá xăng dầu, giá điện, giá nguyên vật liệu cho sản xuất, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường tăng cao. Thêm vào đó, thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế. Tất cả đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến sinh hoạt của từng gia đình. Trong tình hình đó, để duy trì và phát triển sản xuất, đảm bảo mức sống trong gia đình ít thay đổi nhất đang là câu chuyện hàng ngày của nhiều người. Chuyện tiết kiệm dường như có lúc bị quên lãng sau nhiều năm kinh tế đất nước khấm khá bỗng trở thành vấn đề thời sự, từ chuyện thay đổi nếp sống, thói quen để thực hành tiết kiệm chi tiêu trong cơ quan, đơn vị đến ý thức tiết kiệm trong từng gia đình, trong từng sinh hoạt tưởng chừng nhỏ nhặt của mỗi người.
Năm 2011, dự báo tình hình cung cấp điện sẽ mất cân đối, giá điện lại đã tăng. Không nói ai cũng biết tiết kiệm điện vừa giúp giảm chi tiêu gia đình, xa hơn sẽ giúp ngành điện bớt căng thẳng nguồn cung, đất nước có thêm điện cho sản xuất. Bài học tiết kiệm được khơi gợi từ chuyện sử dụng điện hợp lý, tắt bớt đèn khi không cần đến, tăng nhiệt độ máy điều hòa ở mức tiết kiệm, sử dụng loại bóng compact tiết kiệm điện… Bên cạnh đó, chú ý tăng sử dụng năng lượng xanh, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Theo tính toán của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 12,4 triệu hộ sử dụng điện. Nếu mỗi hộ chỉ cần tắt bớt một bóng đèn neon 40W thì cả nước sẽ giảm gần 40MW (bằng công suất phát của 2 tổ máy Nhà mát Thủy điện Hòa Bình). Hệ thống đèn và thiết bị trang trí trong nhà và ngoài trời có lượng công suất tiêu thụ rất lớn. Nếu tất cả mọi nơi giảm sử dụng 50% thiết bị nói trên thì sẽ tiết kiệm được khoảng 200MW. Đặc biệt, mỗi hộ chỉ cần tắt bớt một bóng đèn vào giờ cao điểm sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng chi phí ngân sách đầu tư cho việc bổ sung nguồn điện, lưới điện. Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ, hiệu quả chỉ từ việc thay đổi một thói quen, một nếp sống.
Năm 2011, dự báo tình hình cung cấp nước cũng gặp nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu gây hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến các nhà máy nước thiếu nguồn cung nước sạch. Trong khi đó, khai thác sử dụng nước ngầm quá mức được dự báo gây hậu quả khôn lường. Tài nguyên nước không vô tận nên phải tiết kiệm, bằng nhiều cách (chống thất thoát, tái sử dụng…) vừa giúp giảm chi tiêu gia đình mà còn chia sẻ với người dân những nơi thiếu nước, nơi cuối nguồn. Nếp sống tiết kiệm do vậy mang ý nghĩa văn hóa, chúng ta không thể tiêu xài phung phí mà không nghĩ đến người khác.
Giá xăng tăng, chuyện đi lại cũng cần tính toán. Tăng đi xe công cộng ắt giảm được túi tiền, lại giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ giảm khí thải từ hàng ngàn xe máy lưu thông. Nhiều người sử dụng xe công cộng ắt sẽ giúp giảm đáng kể lượng tiêu dùng xăng vốn phải nhập khẩu.
Không chỉ có tiết kiệm điện, xăng, nước mà trong tiêu dùng hàng ngày chúng ta cần quan tâm tiết kiệm, không lãng phí, tránh thừa mứa. Cũng chẳng phải trong tình huống khó khăn chúng ta mới quan tâm tiết kiệm mà điều này phải phải trở thành ý thức thường xuyên trong mỗi người. Dân gian Việt Nam có câu “Khéo ăn thì no khéo co thì ấm” khuyên mọi người biết sống tiết kiệm, thích ứng với hoàn cảnh. Đặc biệt phải “tích cốc phòng cơ”, phòng khi thiên tai mất mùa, hạn hán không ngờ tới. Tại nhiều nước, ngay cả ở nước giàu, người dân cũng luôn có ý thức tiết kiệm, không lãng phí trong sinh hoạt, ăn uống không bao giờ bỏ thừa... Nước Việt Nam chúng ta chưa giàu, việc tiêu xài lãng phí rất đáng phê phán, nhất là khi trong xã hội còn bao người khó khăn thiếu thốn cần chia sẻ. Vì thế, nếu mọi người mọi nhà cần đồng lòng tiết kiệm, cả nước sẽ tiết kiệm được rất lớn để tái đầu tư, xây dựng đất nước giàu mạnh, đem lại ấm no cho mọi người. Tiết kiệm vì thế luôn có ích. Tiết kiệm phải trở thành nếp sống văn hóa của người Việt.
Lệ Thư